CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Chính phủ kiến tạo và hành trình đầy thách thức

Trong phát biểu nhậm chức sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Xung quanh vấn đề trên, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. “Chặng đường để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính mà Thủ tướng đề ra đã được khởi động ngay sau khi Chính phủ mới được cơ bản kiện toàn hồi đầu tháng 4.2016. Đây sẽ là hành trình không ít thách thức, nhưng là việc phải làm, và làm cho bằng được”, Bộ trưởng Dũng nói.
Gạt tư tưởng "quyền anh quyền tôi"
* Thưa Bộ trưởng, thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đưa ra là xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính. Là người phát ngôn, ông có thể cắt nghĩa ngắn gọn thông điệp này?
- Thông điệp này đơn giản thôi, đó là Thủ tướng muốn Chính phủ điều hành bằng thượng tôn pháp luật, bằng thể chế. Và Chính phủ lấy sự hài lòng của doanh nghiệp (DN), của người dân để đánh giá, lấy hiệu quả công việc soi mình, đó là thước đo quan trọng nhất. Muốn vậy, trước tiên, không ai khác, là Chính phủ phải làm gương, phải kỷ cương, nghiêm minh mới tạo được niềm tin cho cấp dưới, cho người dân, DN. 
* Đấy là mục tiêu, để đạt được, Chính phủ phải cụ thể hóa bằng một chương trình hành động. Vậy chương trình đó thế nào?
- Để cụ thể hóa, việc đầu tiên Chính phủ ưu tiên thực hiện là công tác xây dựng thể chế. Khoảng 100 ngày qua, từ ngày Chính phủ cơ bản được kiện toàn, việc xây dựng văn bản pháp luật được Thủ tướng, Chính phủ quan tâm đặc biệt. Thủ tướng liên tiếp họp chuyên đề này và nhắc đi nhắc lại không để tình trạng nợ đọng văn bản, nhất là các quy định về giải phóng sức sản xuất cho nền kinh tế. Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ tháng 4, thay vì thảo luận kinh tế xã hội như lệ thường, Thủ tướng đã yêu cầu dành ngày đầu tiên cho việc xây dựng thể chế.
Thứ hai, Chính phủ mới đây đã ban hành hẳn một nghị quyết chương trình hành động cho 5 năm tới với những nội dung cơ bản như Chính phủ tập trung khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, đầu tư vào các ngành, sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển. Chính phủ cam kết rà soát, đơn giản hóa các chính sách và pháp luật nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Đi kèm với đó phải đẩy nhanh chương trình, kế hoạch tái cơ cấu DN nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, giảm tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước theo lộ trình tại các tập đoàn, tổng công ty lớn…
Nhiệm vụ trọng tâm khác là ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế…
* Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, công tác xây dựng thể chế là việc rất căn cơ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Nhưng rõ ràng ngay từ đầu lực cản cũng rất lớn, nói ví dụ như việc xóa bỏ các thông tư về điều kiện kinh doanh chẳng hạn, các bộ rất không muốn. Chính phủ nhận diện thách thức này ra sao?
- Đúng là sẽ không tránh khỏi chuyện các bộ có tư tưởng bảo hộ. Cho nên Thủ tướng chẳng nhắc suốt là phải gạt tư tưởng "quyền anh quyền tôi". Phải xóa bằng được cơ chế xin - cho. Tôi lấy ví dụ, khi làm nghị định về điều kiện kinh doanh thuốc, Bộ Y tế cự ghê lắm, tranh luận với Bộ Tư pháp rất căng. Hay chuyện bỏ hay giữ Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô của Bộ Công thương, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) họ phản đối kinh lắm.
Tuy nhiên, quan điểm của Thủ tướng là phải tăng cường trao đổi, phản biện. Từ đó xử lý hài hòa để cân bằng lợi ích, làm sao vì cái chung nhất là sự phát triển, chứ tâm lý thông thường thì bao giờ các bộ cũng muốn nhẹ việc cho mình. Thủ tướng nói, ai cũng có lý nếu đứng từ góc độ của mình, cho nên ở đây vai trò của các cơ quan thẩm định như Bộ Tư pháp, thẩm tra là Văn phòng Chính phủ và phản biện, giám sát như Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), rồi VCCI là rất quan trọng.
Nhờ báo chí giám sát
* Ông muốn nhấn mạnh đến việc Chính phủ phải nghe nhiều tai, nói đi đôi với làm?
- Đúng vậy. Như báo chí đó, là một kênh rất quan trọng. Cho nên Thủ tướng hay dành thời gian tự đọc báo là vì thế. Thủ tướng coi đó là một lực lượng giám sát để đo sự hài lòng của người dân, DN. Chúng tôi cũng muốn báo chí giám sát, vào cuộc cùng, nhờ các bạn giám sát, đeo bám xem. Vì nhiều lúc nghe báo cáo thôi khô khan lắm, có khi không phản ánh hết thực tiễn sinh động đâu.
Chính phủ có nhiều kênh khác nữa. Ví dụ như trong ban hành và thực hiện các nghị định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ cũng giao VCCI cùng tổ thi hành luật giám sát, định kỳ báo cáo. Tôi mới về Văn phòng Chính phủ, nhưng anh em các vụ nói chưa bao giờ công tác xây dựng thể chế, làm văn bản được huy động một cách tổng lực, lăn ra mà làm như vừa qua. Anh em chuyên viên xuống cơ sở, xuống các bộ rất nhiều.
Cho nên phải giám sát quá trình triển khai, xem có khi có cái gì đó không cần nhưng mình đưa vào, giờ thực hiện thấy chưa hợp lý thì phải bỏ ra. Ngược lại, có cái gì cần đưa vào mà chưa kịp thì bổ sung. Hay không loại trừ ở đâu đó, cán bộ nào đó gây cản trở. Việc giám sát ở đây là rất nhiều khía cạnh, từ giám sát xem chính sách đó có thực thi được không, vướng mắc do hạn chế chất lượng văn bản, khó khả thi hay do cán bộ thực hiện…
Có thể mọi việc chưa trơn tru ngay được như mong muốn, nhưng Chính phủ quyết tâm làm, Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe để hoàn thiện mình, để thực sự là chính phủ kiến tạo, bệ đỡ cho DN, cho người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

 Theo thanhnien.vn

0 nhận xét: