CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Chốt thời điểm Việt Nam nhận 2 chiếc Su-30MK2 cuối cùng

Trên Diễn đàn Không quân Nga ngày 8/10 đã đăng tải bức anh 2 chiếc Su-30MK2 cuối cùng Nga sản xuất cho Việt Nam đã hoàn thiện.

Hai chiếc Su-30MK2 cuối cùng của Việt Nam tại Nhà máy KnAAZ
Việt Nam nhận 2 chiếc Su-30MK2 cuối

Thông tin dẫn nguồn từ Nhà máy KnAAZ ở Komsomolsk, Nga cho biết, các kỹ sư và nhân viên nhà sản xuất đã chụp ảnh lưu niệm với 2 chiếc Su-30MK2 cuối cùng sản xuất cho Việt Nam. Hai chiếc máy bay này lần lượt mang số hiệu là 8593 và 8594.
Theo kế hoạch, 2 chiếc Su-30MK2 này sẽ được Nga bàn giao cho Việt Nam vào tháng 10 tới đây sau khi 2 chiếc trước đó được bàn giao hồi tháng 2/2016. Như vậy sau khi nhận 2 chiếc máy bay cuối cùng này, Việt Nam sẽ sở hữu phi đội Su-30MK2 với tổng cộng 35 chiếc.
Và theo thông tin được trang vpk-news.ru đăng tải hồi tháng 6/2016 vừa qua, sau khi hoàn thiện 2 chiếc Su-30MK2 cuối cùng theo đơn hàng cho Không quân Việt Nam, Nhà máy KnAAZ sẽ không sản xuất Su-30MK2 nữa mà tập trung vào phát triển tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK FA và Su-35.

Đâu là lựa chọn tiếp theo của Việt Nam?

Việc Nga khép lại dây chuyền sản xuất Su-30MK2 có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm của một số nước. Vậy trong trường hợp Việt Nam muốn thêm chiến đấu cơ Nga, đâu sẽ là lựa chọn tiếp theo?

Theo nhận định của trang vpk-news.ru, sau khi nhận đủ số Su-30MK2 đã đặt mua của Nga, Không quân Việt Nam có ưu thế rất lớn trong nhiệm vụ giành ưu thế khi đánh biển, tuy nhiên khả năng không chiến của dòng chiến đấu cơ này lại không được đánh giá cao như các tiêm kích tiệm cận thế hệ 5 hiện nay của phương Tây và Nga hiện nay.

Những phương án mua máy bay của phương Tây đã được tính đến và truyền thông đã từng đưa tin về việc Việt Nam quan tâm đến máy bay Rafale của Pháp, Typhoon của châu Âu, JAS-39 Gripen của Thụy Điển... Tuy nhiên giá thành là trở ngại lớn nhất khi Việt Nam muốn mua những dòng máy bay này.

Và những máy bay thế hệ mới của Nga đang được tính đến trong chiến lược hiện đại hóa Không quân Việt Nam. Truyền thông Nga đã từng nhiều lần đưa tin về việc Việt Nam quan tâm đặc biệt đến máy bay Su-35 và phiên bản hiện đại nhất của dòng Su-30 là Su-30SM.

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất được trang vpk-news.ru của Nga cho biết, Việt Nam chuẩn bị mua Su-30SM làm át chủ bài cho lực lượng không quân của mình. Nguồn tin này cũng cho biết, Ấn Độ sẽ đào tạo phi công lái Su-30 cho Không quân Việt Nam trước cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, đích thân ông Kuznetsov Viktor Dmitrievich, Tổng giám đốc Công ty AVIAPROM (đơn vị đầu mối điều phối việc hợp tác kỹ thuật giữa các tổ hợp công nghiệp hàng không Liên Bang Nga) khẳng định rằng IRKUT sẽ là đơn vị cung cấp máy bay chiến đấu mới cho Việt Nam. Như vậy, gần như chắc chắn Su-30SM đã lọt vào tầm ngắm của Không quân Việt Nam.

Theo thông tin được Nga công khai, Su-30SM được trang bị radar mảng pha quét thụ động NIIP N011M BARS có tầm hoạt động tối đa 400 km với mục tiêu là máy bay cỡ lớn; hoặc 100 km ở bán cầu trước, 55 km ở bán cầu sau với máy bay có diện tích phản xạ radar nhỏ, theo dõi 15 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.

Động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP kết hợp cùng cánh mũi giúp Su-30SM có khả năng siêu vận động, tạo ưu thế rất lớn trong không chiến quần vòng cự ly gần. Vận tốc tối đa của Su-30SM đạt 2.100 km/h, tầm bay 3.000 km, tải trọng vũ khí 8.000 kg.

Là một chiếc tiêm kích đa dụng, ngoài khả năng cơ động và không chiến linh hoạt, Su-30SM còn có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền và trên biển, cũng có thể thực hiện các sứ mệnh chống tác chiến điện tử và cảnh báo sớm, thậm chí có thể là một máy bay kiểm soát và chỉ huy trong phi đội máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ chung.

Để thực hiện nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom khác và sẵn sàng không chiến, Su-30SM được trang bị pháo 30 mm GSh-301 với cơ số đạn 150 viên. Máy bay có 12 giá treo vũ khí bên ngoài, có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có các loại tên lửa dẫn đường tầm nhiệt hoặc laser.

Với những giá vũ khí này, Su-30SM có thể gắn 6 tên lửa không đối không tầm trung R-27RE, R-27TE hoặc Vympel RVV-AE hay tên lửa tầm gần R-73. Những loại tên lửa này sẽ giúp Su-30SM đối phó với hai mục tiêu trên không cùng một lúc.

Nếu được đưa vào trang bị trong tương lai gần và tích hợp thêm khả năng mang tên lửa BrahMos, bộ đôi Su-30SM và Su-30MK2 sẽ giúp Không quân Việt Nam có thể vươn lên giữ vị trí số 1 tại khu vực Đông Nam Á.
Theo baodatviet.vn


0 nhận xét: