CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Vì sao các thế lực thù địch tập trung chia rẽ quan hệ Việt - Trung?

Trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây đang rộ lên những tin tức xuyên tạc, kích động gây chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cho rằng mối quan hệ chiến lược toàn diện này đang trên “bờ vực thẳm” hay Việt Nam “Há miệng mắc quai”, thậm chí cho rằng Việt Nam đã và đang lệ thuộc vào ông lớn Phương Bắc! Lý do là gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam trao đổi với phía Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Thứ nhất, âm mưu xuyên suốt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là gây chia rẽ, tiến tới cô lập các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước phát triển mới, là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã có bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài. Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng; tổ chức 10 cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng. Hai bên thành lập cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (2006) để điều phối tổng thể các mặt hợp tác trong quan hệ hai nước.
Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận văn bản hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2002), hai Bộ Công an (2003), hai Bộ Quốc phòng (2003)… Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại Việt – Trung tăng hơn 1.800 lần, từ 32 triệu USD (1991) lên gần 60 tỷ USD (2014), từ năm 2004, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 58,78 tỷ USD. Năm 2016 và đầu năm 2017, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới, hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí kiên trì ổn định, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định… Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch tiếp tục phát triển. Về giáo dục: hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc và khoảng trên 4.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam.
Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt – Trung giai đoạn 2013 – 2015”; thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này tại nước kia. Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hoá – thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Thứ hai, trong quan hệ Việt - Trung vẫn còn tồn tại một số vấn đề còn bất đồng, tranh chấp (ví dụ: chủ quyền biển đảo giữa ta và Trung Quốc trên biển Đông) các thế lực thù địch có cớ để xuyên tạc, thêu dệt với dụng ý xấu khi cho rằng chúng ta quá lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đều đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” (2011), làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên nhất trí kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC. Trên cơ sở thỏa thuận này, hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Đến nay, sau các vòng đàm phán, hai bên đã đạt một số kết quả gồm, nhất trí thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; nhất trí chọn ra 03 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để nghiên cứu và triển khai thí điểm, gồm: Dự án về hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Dự án về nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang và Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, hai bên đã thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc (2013) nhằm nghiên cứu và bàn bạc về các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển”. Tuy nhiên, giải quyết việc tranh chấp trên biển là vấn đề lịch sử, phức tạp, lâu dài khi xem xét cần phải kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo, tránh nóng vội chủ quan. Hai bên đã nhất trí giải quyết trên tinh thần nhìn từ tầm cao chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, truyền thống, không để ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định của mối quan hệ hai nước.
Thứ ba, một số cơ quan báo chí Trung Quốc tuyên truyền về quan hệ Việt - Trung trên một số lĩnh vực còn chưa rõ ràng, thậm chí cố tình diễn đạt thiếu khách quan, gây hiểu nhầm trong dư luận và tạo cơ sở cho kẻ thù chống phá, xuyên tạc.
 Ví dụ, tại cuộc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/7. Các cơ quan báo chí chính thống của Trung Quốc đã dẫn sai lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "Việt Nam sẵn sàng đàm phán song phương" về tranh chấp. Hãng thông tấn Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo và Chinadaily.com.cn của Trung Quốc dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc rằng "Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông," và "Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực".
Tuy nhiên, nguyên văn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập vấn đề Biển Đông là đề nghị Việt Nam và Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt -Trung" do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào thống nhất hồi tháng 10/2011.
Thỏa thuận này nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Đây là một phần nội dung trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ. 
Thủ tướng Phúc cũng khẳng định lại lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7 vừa của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục số VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Chính vì vậy, cần đặc biệt cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc quan hệ Việt - Trung, đồng thời kiên quyết đấu tranh thực hiện hiệu quả quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần làm cho mối quan hệ chiến lược toàn diện Việt - Trung ngày một bền vững, bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia dân tộc.
Trúc Thanh

0 nhận xét: