CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH VỚI CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG “TỰ DO TÔN GIÁO” TRÊN INTERNET HIỆN NAY

 

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội thuộc đời sống tinh thần của con người đã và đang có ảnh hưởng quan trọng đến nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đảng ta khẳng định: vấn đề dân tộc, tôn giáo và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Ở nước ta, tín ngưỡng tôn giáo đã chi phối sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Gần đây, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân ta có xu hướng gia tăng, hoạt động của các tổ chức tôn giáo tiếp tục diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động tín đồ tôn giáo nhằm tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng chống cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ, sức lan tỏa của Internet là phương tiện hữu hiệu mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Nhiều webside, blog cá nhân đã đăng tải nhiều nội dung phản ánh sai lệch đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta… Trên lĩnh vực tôn giáo, một trong những chiêu bài mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành là lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” để chống phá cách mạng Việt Nam. Quốc hội Mỹ đã ra một số nghị quyết và tổ chức nhiều cuộc điều trần về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam; xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia “đàn áp tôn giáo”. Gần đây, Uỷ ban Tự do tôn giáo của Mỹ tiếp tục công bố báo cáo đánh giá tiêu cực về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Trong nước, những phần tử cực đoan, quá khích trong Công giáo, phật giáo Ấn Quang, phật giáo Hoà Hảo... câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng những diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước nhằm lôi kéo, tập hợp tín đồ để kích động biểu tình, gây rối, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp… Những quan điểm trên là sự viện dẫn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn mà các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lấy một vài hiện tượng mà đánh giá bản chất của vấn đề. Mục đích của chúng không gì khác nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, làm suy yếu lực lượng cách mạng nước ta.

Công tác tôn giáo nói chung, tự do tôn giáo nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tại Điều 24, Chương II Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi bổ sung 2013) quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”

Đảng ta đã có Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Trung ương Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo ngày 29/6/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (01/3/2005), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (18/11/2016)…

Điều đó đã thể hiện đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo; đồng thời là cơ sở để giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đang hoạt động ở Việt Nam.

Hiện nay, có 36 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo), 04 tổ chức và 01 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 01 tôn giáo có một số chùa được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa; 01 thánh đường của Hồi giáo được công nhận Ban Quản trị thánh đường. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các tôn giáo ngày một tiến bộ, bảo đảm tốt hơn. Công tác tôn giáo đã động viên được đồng bào tôn giáo chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo. Công tác tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật về tôn giáo được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn trước. Công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành được tăng cường. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào tôn giáo được quan tâm hơn trước, việc thực hiện chính sách tôn giáo đã giúp các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng pháp luật. Những thành tựu đó mà chúng ta có được là bằng chứng thực tiễn sinh động phủ nhận sự vu cáo, xuyên tạc trắng trợn của kẻ thù.

Theo đó, để đấu tranh với những quan điểm sai trái lợi dụng “tự do tôn giáo” của các thế lực thù địch trên mạng Internet, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, phát triển thế giới quan khoa học cho mọi tầng lớp nhân dân về tôn giáo. Đây là vấn đề cơ bản quan trọng hàng đầu định hướng chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Theo C.Mác: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”[1]. Trước hết, cần tăng cường giáo dục quan điểm chủ nghĩa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cho mọi tầng lớp nhân dân về tôn giáo. Giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ có sự hiểu biết đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, chức năng xã hội của tôn giáo. Chỉ rõ tính chất duy tâm thần bí, phản khoa học của hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo điều... của tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan. Trong đó, vạch rõ âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để kích động, lôi kéo, chia rẽ đồng bào có đạo và đồng bào không theo đạo, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, làm tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng mạng Internet. Vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Việc khai thác các thông tin trên mạng Internet phải thực hiện đúng những quy định của Nhà nước và lựa chọn các website chính thống. Đồng thời cần có sự đối chứng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và độ xác thực của thông tin. Có chế tài đủ sức răn đe, xử lý các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai trái, bịa đặt lên mạng Internet.

Ba là, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái đó.

Đấu tranh chống chiêu bài lợi dụng “Tự do tôn giáo” trên mạng Internet của các thế lực thù địch hiện nay là vấn đề phức tạp, nhạy cảm hiện nay. Để đấu tranh có hiệu quả ngoài việc nhận diện đúng bản chất sai trái của các quan điểm thù địch, mọi tầng lớp nhân dân cần nắm chắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, đồng thời trang bị cho mình những cơ sở thực tiễn cần thiết, vận dụng biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả./.

NTC-H4



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, Tập 3, tr.10.

0 nhận xét: