CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẬN DIỆN THÔNG TIN XẤU, ĐỘC, TIN GIẢ TRONG KHÔNG GIAN MẠNG

 

          Lợi dụng không gian mạng phát tán những thông tin xấu độc, giả mạo là thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu, nhằm đạt được lợi ích của cá nhân, gây tác động tiêu cực đến một bộ phận không nhỏ của xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Vì vậy, cần phải nhận diện nhanh chóng, chính xác những thông tin xấu độc, giả mạo và các thủ đoạn hoạt động của chúng, góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.   

          Để nhận diện thông tin xấu độc, tin giả trên không gian cần thực hiện một biện pháp sau.

          Một là, tăng cường sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.

          Hai là, nếu là những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm, cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống. Ví dụ: đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “Liên hệ” hoặc “Giới thiệu” trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.

          Ba là, tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”. Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

          Trong thời gian tới,  để hạn chế tác hại của thông tin xấu độc, tin giả đòi hỏi mỗi đơn vị sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tự giác cho cán bộ, đảng viên trong việc phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

                                                                                      Tia chớp

0 nhận xét: