CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT XIII CỦA ĐẢNG

 

Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của Internet đã xuất hiện môi trường tương tác mới - không gian mạng. Trong lĩnh vực quân sự, không gian mạng cho phép người chỉ huy, người lính sử dụng hệ thống thông tin quản lý điều hành, hệ thống điều khiển vũ khí, các hệ thống tự động hóa chỉ huy để tương tác trong các hoạt động tác chiến. Không gian mạng là môi trường mà các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Theo đó, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được cụ thể hoá trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng theo tin thần Nghị quyết XIII của Đảng được thể hiện trên một số vấn đề sau:

Một là, tính tất yếu khách quan bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Từ vị trí, vai trò của bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước. Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong tình hình mới. Sự tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng, trong đó, lực lượng tác chiến trên không gian mạng là nòng cốt. Các thế lực thù địch, thường xuyên tiến hành hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam trên không gian mạng. Thủ đoạn của chúng thường sử dụng là đưa thông tin sai lệch, truyền bá quan điểm phản động, xuyên tạc, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm gây bất ổn chính trị, xã hội, gây tổn thất về kinh tế, quốc phòng, an ninh; âm thầm, bí mật kiểm soát hệ thống mạng, tạo thế trận, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc của ta. Vì vậy, vấn đề bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã, đang và sẽ đặt ra một cách trực tiếp trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, mục tiêu bảo vệ. Đảng ta xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng mang tính chất toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, cả đất liền, hải đảo, trên không, và không gian mạng. Đó còn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nưốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xác lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vùng đất, vùng trời, vùng biển, trên không gian mạng của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta khẳng định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nưóc, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nưốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1.

Ba là, lực lượng bảo vệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng vững chắc, rộng khắp; Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nưốc, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”2 . Đó là sức mạnh trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân lực, vật lực, tinh thần của đất nước; sức mạnh của toàn dân tộc, của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Sức mạnh do chính những con người Việt Nam yêu nước xây đắp, không phụ thuộc và không để bị bất kỳ một thế lực nước ngoài nào chi phối.

Bốn là, nội dung bảo vệ. Bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trên không và trong không gian. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốcphải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”3 và “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.”4. Đó còn là bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; đấu tranh chống các hoạt động xâm nhập, phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; ngăn chặn sử dụng không gian mạng tiến hành chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, kết hợp với các biện pháp phi vũ trang hoặc vũ trang xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng can thiệp, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Năm là, đối tượng đấu tranh. Các thế lực thù địch, đồng minh và tay sai có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng can thiệp, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, tiến hành các hình thái chiến tranh; các thế lực nước lớn và chư hầu có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng thực hiện tham vọng xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”5 . Đó còn là các tổ chức phản động trong và ngoài nước, lực lượng cơ hội, suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống có âm mưu, hành động cấu kết với thế lực bên ngoài, sử dụng không gian mạng chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, phương thức bảo vệ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực tự bảo vệ của toàn xã hội và của từng người dân, nhất là thế hệ trẻ; lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định, đồng thời tranh thủ tối đa những thành tựu khoa học, công nghệ, không để tụt hậu về con người và công nghệ; thực hiện tự bảo vệ và được bảo vệ từ cơ sở. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kết hợp các biện pháp công nghệ, an ninh, pháp lý, hành chính, kinh tế. Đảng ta xác định: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”6. Ngoài ra, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển”7.

Tóm lại, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng là một bước phát triển mới trong tư duy, lý luận về bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội cần tích cực học tập, quán triệt quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong Văn kiện XIII nói chung, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng nói riêng. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn hoạt động quân sự. Phát huy vai trò của các tổ chức và từng cá nhân trong đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. CTQG-Sự thật, Hà Nội, tr.154-155.

(2), (3), (4) Sđd, tr.156.(5) Sđd, tr.107.(6) Sđd, tr.159.(7) Sđd, tr.155-156.

PVP-H4

0 nhận xét: