Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hoá. Người là hiện thân, là biểu tượng sáng ngời cho ý chí, bản lĩnh
và khát vọng của dân tộc Việt Nam.
Ngay
từ thời thiếu niên, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục lòng yêu nước, chí căm thù
giặc và khát vọng giành độc lập của các phong trào chống Pháp và các bậc tiền bối
như: Phan Đình Phùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám. Với tư duy
độc lập, tự chủ, sáng tạo, lúc trạc 13 tuổi còn trên ghế trường tiểu học, Người
đã hoài nghi đằng sau những từ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Từ thuở ấy,
Người đã “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng
sau những chữ ấy”.
Không
chỉ muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau các chữ Pháp, Người muốn đi ra ngoài xem
cho rõ, đến tận nơi xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi trở về giúp
đồng bào. Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi,
lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của
Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước
ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào
tôi”.
Việc
Nguyễn Tất Thành ở tuổi 21 quyết định đi ra nước ngoài để về giúp đồng bào là tỏ
rõ ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu “Đông du” và “muốn đưa
anh và một số thanh niên sang Nhật, nhưng anh không đi”. Người “thấy rõ và quyết
định con đường nên đi”, không “Đông du” mà lại “Tây du”. Điều này cho thấy tính
độc lập, bản lĩnh và trí tuệ sáng suốt của Nguyễn Tất Thành.
Tuy
chưa có sự hiểu biết khoa học, lý tính như sau này khi có ánh sáng của chủ
nghĩa Mác - Lênin soi rọi, nhưng sự hoài nghi tuổi trẻ như Nguyễn Tất Thành là
rất đáng khâm phục. Hai từ “văn minh” và những chữ Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác
ái là những khái niệm rất đẹp, phản ánh giá trị phổ quát của nhân loại mà các
dân tộc và mọi người hướng tới. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, Người “muốn tìm xem những
gì ẩn đằng sau những chữ ấy”, bởi trên thực tế đất nước ta lúc bấy giờ chẳng thấy
tự do, bình đẳng, bác ái đâu, mà chỉ thấy nô dịch, bóc lột, đầy rẫy áp bức, bất
công, nhà tù nhiều hơn trường học.
Tháng
6-1911 là bước khởi đầu hành trình khát vọng “tìm đường” (1911-1920) cứu đồng
bào của Người. Sau mười năm “mở đường” (1921-1930), Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng
Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Người cùng Đảng thực hiện sứ mệnh “dẫn đường”
(1930-1945). Đây là một trong những quãng thời gian nhiều cam go, thử thách nhất
trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong việc thực hiện sứ mệnh giải
phóng Tổ quốc. Người không những bị đế quốc Anh bắt giam, tù đày hơn 18 tháng
(6-6-1931 - 28-12-1932), mà còn chưa được Quốc tế Cộng sản hiểu, đánh giá đúng
về tư tưởng và hoạt động của mình với tư cách là một người cộng sản chân chính,
trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng, chính trong gian lao, thử thách,
nhân cách của người cách mạng cộng sản Nguyễn Ái Quốc càng bộc lộ một cách rõ rệt
nhất. Người vẫn chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc để làm cách mạng giải
phóng dân tộc. Gần sáu năm từ khi được trả tự do, về Liên Xô hoạt động, học tập,
nghiên cứu, làm được nhiều việc có ích cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc
địa và Quốc tế Cộng sản, nhưng Người vẫn coi đó là thời gian trong “tình trạng
không hoạt động”, “như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”, một “tình cảnh
đau buồn”.
Không
có gì ngăn cản được ý chí, bản lĩnh và khát vọng giải phóng của Nguyễn Ái Quốc.
Sau khi rời khỏi biên chế của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa của
Quốc tế Cộng sản, trong lộ trình về nước, khi nghe tin Pari bị quân Đức chiếm
(ngày 20-6-1940), Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất
thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ
thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Ngày
28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc về tới cột mốc 108 biên giới Việt - Trung. Sống
trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chỉ với “cháo bẹ, rau măng”,
nhưng Nguyễn Ái Quốc nhận ra rằng “cuộc đời cách mạng thật là sang” và sẵn
sàng “hai tay xây dựng một sơn hà”.
Khó
khăn lớn nhất của cách mạng lúc này là “dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa
cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật”. Trước sức mạnh của kẻ thù hung bạo Pháp - Nhật
và tay sai của chúng, Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện bản lĩnh cách mạng phi
thường “thay đổi chiến lược”. Ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng giải phóng
của Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện rõ: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được
vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc,
thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền
lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Hồ
Chí Minh truyền quyết tâm, tín tâm, đồng tâm và cảm hứng cho cả dân tộc “Đoàn kết
vững bền như khối sắt/Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Với Hồ Chí Minh, “trên đời ngàn vạn điều cay đắng/
Cay đắng chi bằng mất tự do?”. Vì vậy, “muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng
phải cao”.
Khát
vọng, tin tưởng, lạc quan là nguồn mạch vô tận ở Hồ Chí Minh. Cho nên, ở trong
tù nhưng Người luôn nghĩ tới ngày mai tươi đẹp, quy luật cuộc sống cũng như quy
luật tự nhiên “Sự vật vần xoay đã định sẵn/Hết mưa là nắng hửng lên thôi… /Người
cùng vạn vật đều phơi phới/Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Trong lúc sốt cao, ốm nặng,
Người vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới,
dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết
giành cho được độc lập”.
Cách
mạng Tháng Tám thành công. Đó là sự thắng lợi của sức dân, lòng dân, trí dân,
khát vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên, chúng
ta không những phải được tự do, phải được độc lập, mà còn có quyền hưởng tự do
và độc lập. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp, thì vấn đề không
chỉ có quyền hưởng tự do và độc lập mà điều quan trọng là “toàn thể dân Việt
Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững
quyền tự do và độc lập ấy”. Ý chí, bản lĩnh và khát vọng ấy của Hồ Chí Minh
trong Tuyên ngôn độc lập được chuyển tải cho toàn dân tộc khi thực dân Pháp quyết
tâm cướp nước ta lần nữa. Người nói: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ
nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào.
Khi
cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở đỉnh cao của ác liệt, Hồ Chí Minh
tuyên bố: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.
Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân
Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Viết
Di chúc năm 1965, Người khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta
nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ
quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một
nhà”. Năm 1969, Người khẳng định lại ý chí, quyết tâm và niềm tin chắc chắn thắng
lợi: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh
nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Một
trong những điểm nhấn quan trọng nhất là, cùng với ý chí, bản lĩnh, niềm tin, Hồ
Chí Minh luôn luôn nuôi dưỡng và thể hiện khát vọng về một đất nước phồn vinh,
hạnh phúc, hùng cường, bước tới đài vinh quang, cùng nhịp bước với các nước
trên hoàn cầu, sánh vai các cường quốc năm châu. Người có niềm tin: “Đến ngày
thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Trong
nhiệm vụ “sẽ xây dựng lại đất nước to đẹp, đàng hoàng”, Hồ Chí Minh không hề ảo
tưởng, chủ quan, Người nhận thức rõ đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp,
khó khăn và nặng nề. Đây là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư
hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Vì vậy, Người dặn “chúng ta phải
có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm”.
Trong kế hoạch đó, trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng; là công việc đối với con
người; là phát huy vai trò của nhân dân. Người viết: “Để giành lấy thắng lợi
trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo
dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Đảng
ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn
cách mạng Viêt Nam. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo -
Phát triển”, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tới bản lĩnh, ý chí kiên cường,
quyết tâm và khát vọng của cả dân tộc “vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh
thủ thuận lợi, thời cơ, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển,
có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: “Với định
hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước
Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm
châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng
của toàn dân tộc ta”./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét