Bất ngờ với
gói nấm linh chi trị giá cả triệu bạc mà bạn tặng khi tới thăm tôi. Bạn hồ hởi
khoe “của nhà trồng được!”.
Vậy là sau
những tháng ngày vật lộn mưu sinh, nộp hồ sơ ứng tuyển khắp nơi đều bị ngoảnh
mặt chỉ vì là người khuyết tật, bạn đã tự gây dựng công việc cho chính mình. Cơ
sở sản xuất nấm thành công không chỉ là nơi phát huy kiến thức từ tấm bằng cử
nhân kinh tế của bạn mà còn mang lại việc làm cho hơn chục lao động là người
khuyết tật khác.
Biết rằng không
phải người khuyết tật nào cũng đủ khả năng tự tạo việc làm như vậy, nhưng rõ
ràng những người như bạn của tôi, năng suất lao động còn cao hơn rất nhiều
người lành lặn khác. Vậy mà theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội), tỷ lệ có việc làm đối với lao động là người khuyết tật mới đạt
khoảng 36%.
Thì đấy, cùng
trình độ như nhau nhưng nhà tuyển dụng mấy ai chọn người khuyết tật thay vì
người lành lặn bình thường. Đã có nhiều văn bản pháp luật cũng như chương trình
của cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến người khuyết tật, tuy nhiên, việc thực
hiện ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, không mạnh dạn giao việc, chỉ xem
việc nhận người khuyết tật như một hình thức “giải quyết chế độ”, thậm chí có
lúc, có nơi, người khuyết tật còn bị đối xử thiếu nhân văn khiến họ bị tổn
thương.
Nếu khuyết
tật là một điều bất hạnh thuộc về số phận không thể tránh thì giúp người khuyết
tật hòa nhập lại là một lựa chọn. Bởi vậy, những phiên giao dịch việc làm lồng
ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật như của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Hà Nội và Hội Người khuyết tật TP Hà Nội vừa tổ chức là một lựa chọn như vậy. Ở
đó, người khuyết tật luôn được dành hơn 1/3 chỉ tiêu tuyển dụng phù hợp; nhà
quản lý, người tuyển dụng qua đó cũng nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng về việc làm,
học nghề của người lao động khuyết tật. Sự kiện là tín hiệu vui cho thấy sự
thay đổi tư duy từ cộng đồng doanh nghiệp. Họ nhận người khuyết tật không phải
vì trách nhiệm xã hội hay lòng thương hại mà vì hiệu quả công việc.
Có lẽ cần nói
thêm về những giá trị khác mà người khuyết tật có thể mang lại cho doanh
nghiệp. Họ thường có tính gắn bó, tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
Chính nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống của họ là động lực, lan tỏa niềm
cảm hứng lạc quan, tích cực cho những nhân viên khác. Vì vậy, họ xứng đáng được
trao cơ hội tiếp cận việc làm bình đẳng để có thể khẳng định giá trị của bản
thân và hòa nhập cộng đồng. Muốn vậy, bản thân sự nỗ lực của người khuyết tật
là chưa đủ, mà rất cần sự chung tay của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
HHH-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét