CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG CHỈNH ĐỐN ĐẢNG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CUẢ ĐẢNG

 

Trong suốt chặng đường hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng ta vẫn luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, khi vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”. Để công tác xây dựng, chính đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII, được cụ thể hóa tại Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kết luận đã có sự kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điểm mới trong Kết luận lần này là sự mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đây là bước đột phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử lý nghiêm khắc hơn; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; yêu cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Căn cứ vào kết luận của Trung ương và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả Kết luận số 21 gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị.

Quá trình tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21 phải bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; tránh hời hợt, hình thức. 

Hai là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện

Trong mọi hoạt động, mọi điều kiện, hoàn cảnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, danh dự và trách nhiệm; là lực lượng tiên phong, nòng cốt. Người cán bộ, đảng viên phải biết dùng chân lý, lẽ phải và thông qua hành động gương mẫu của bản thân để tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng: “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”.

Vì vậy, trong quá trình quán triệt và triển khai thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cần đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì cần “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Ba là, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhấn mạnh: Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,... Thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Nâng cao khả năng cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực, đồng thời khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định 37-NQ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Quy định 37 đã thể hiện quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn hành vi, hiện tượng, biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, tha hóa... quyết tâm xây dựng đội ngũ đảng viên bản lĩnh, trong sạch, tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản, người lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân, của dân tộc.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là, việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(7). Vì thế, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; khắc phục những biểu hiện của “bệnh hình thức”, như ham thành tích, không bám sát nhiệm vụ thực tế, đề ra nhiệm vụ nhưng không quyết tâm thực hiện. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi “bệnh hình thức” trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII, được cụ thể hóa trong Kết luận số 21 là bước đi đột phá, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược và nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén của Đảng trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo bước phát triển mới về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

NVN-H1

 

0 nhận xét: