CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

VAI TRÒ THẾ GIỚI QUAN, PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC, CÁCH MẠNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỚI VIỆC ĐẤU SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 


Mỗi thời đại lịch sử thường có nhiều học thuyết xã hội tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội, song có một học thuyết nổi bật, trở thành chủ thuyết phát triển của thời đại. Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn phát triển trong cuộc đấu tranh với các học thuyết đối lập và nó trở thành chủ thuyết phát triển của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn phát triển của khoa học và thực tiễn xã hội nhân loại gần hai thế kỷ qua là minh chứng sinh động, có sức thuyết phục cho bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện sâu sắc, sinh động cả trong ba bộ phận cấu thành nó là Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Triết học Mác - Lênin là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội và tư duy, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để nhận thức và cải tạo thế giới. Từ khi Triết học Mác - Lênin ra đời cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến những biến đổi to lớn trong khoa học và thực tiễn xã hội; nhất là trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức... Tất cả những biến đổi đó không đối lập và mâu thuẫn với những kết luận của triết học duy vật biện chứng với tư cách là thế giới quan và phương pháp luận của hoạt động người, mà chúng càng chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, sáng tạo của triết học duy vật biện chứng, làm sâu sắc và sinh động hơn tính biện chứng của thế giới vật chất; đồng thời nó tạo ra những điều kiện mới cho việc tiếp tục nghiên cứu khái quát và bổ sung, phát triển triết học duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà nền tảng là lý luận hình thái kinh tế - xã hội, đã và đang định hướng cho việc xây dựng, đổi mới, bổ sung và phát triển xã hội hiện đại theo hướng văn minh và tiến bộ. Trong xã hội hiện đại, sản xuất vật chất (kinh tế) vẫn là nền tảng của đời sống xã hội; nhân tố quyết định lịch sử, xét đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống xã hội; nguồn gốc và động lực phát triển xã hội là nhu cầu, lợi ích của con người (giai cấp, quốc gia, dân tộc, nhân loại), là sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng của xã hội; sự phát triển của xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác là quá trình lịch sử tự nhiên, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người, các giai cấp, quốc gia dân tộc và nhân loại. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về hình thái kinh tế - xã hội, về nhu cầu lợi ích của con người, về đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và nhà nước, về vấn đề con người... đã, đang và tiếp tục là cơ sở khoa học cho việc xem xét, giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản và cấp bách của xã hội hiện đại.

Lý luận kinh tế chính trị học Mác - Lênin là kết tinh những thành tựu của kinh tế chính trị học nhân loại được C.Mác, Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng, phát triển lên đỉnh cao với học thuyết giá trị thặng dư gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn tự do cạnh tranh tiến đến giai đoạn độc quyền và chủ nghĩa đế quốc. Lý luận này không chỉ vạch ra mục đích và bản chất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư và theo đuổi lợi nhuận tối đa, mà còn chỉ rõ những quy luật vận động, phát triển của chủ nghĩa tư bản cùng những mâu thuẫn và khuyết tật của nó mà trong phạm vi chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được. Thực tiễn phát triển của phương thức sản xuất và xã hội tư bản chủ nghĩa gần hai thế kỷ qua là minh chứng sinh động và sâu sắc cho tính đúng đắn, khoa học của lý luận kinh tế chính trị học Mác - Lênin. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản hiện đại càng phát triển càng làm cho những khuyết tật, mâu thuẫn, xung đột cố hữu của nó thêm trầm trọng. Đó cũng là quá trình tích lũy thêm các yếu tố để phủ định nó, chuyển sang phương thức sản xuất cao hơn - phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là đỉnh cao trí tuệ nhân loại được C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin xây dựng, phát triển dựa trên những thành tựu cao nhất của triết học, kinh tế chính trị học, lý luận xã hội chủ nghĩa và khoa học xã hội - nhân văn hiện đại. Đó là sản phẩm tất yếu của sự vận động, phát triển của lịch sử nhân loại đi qua hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa tiến lên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội khoa học vừa là mục tiêu lý tưởng, vừa là xu thế thời đại và trở thành động lực thôi thúc giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản và người lao động trên thế giới hành động để biến nó thành hiện thực sinh động. Sự biến sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình về chủ nghĩa xã hội (mô hình chủ nghĩa xã hội dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu và bao cấp), chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên thực tế, chủ nghĩa xã hội khoa học với tư cách là lý luận khoa học vẫn đã và đang là kim chỉ nam cho hoạt động nhận thức và thực tiễn của nhân loại tiến bộ; còn chủ nghĩa xã hội hiện thực đang được nảy sinh, phát triển trong công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc với mô hình “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam với mô hình xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”.

Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đó là quá trình xã hội tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục có những biến đổi nhanh chóng và lớn lao; trong đó đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết đòi hỏi và thúc đẩy chủ nghĩa Mác - Lênin phải vượt lên để giải đáp. Mặt khác, nó cũng tạo ra những điều kiện cần thiết để chủ nghĩa Mác - Lênin thực hiện được vai trò của mình. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện tập trung ở những vấn đề sau:

Một là, nhận thức toàn diện, sâu sắc cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực về thành tựu và khuyết tật, nguyên nhân của khủng hoảng (nhất là nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu); đặc biệt là, nhận thức sâu sắc về quá trình cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và Việt Nam; phân tích, đánh giá xu hướng vận động theo con đường xã hội chủ nghĩa của một số nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, tìm ra con đường, giải pháp thoát khỏi khủng hoảng và đưa ra dự báo một cách khoa học, thực tế về tương lai của chủ nghĩa xã hội.

Hai là, nhận thức khách quan, toàn diện, sâu sắc chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhất là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa về bản chất, quy luật, khả năng điều chỉnh và thích ứng của nó với hoàn cảnh mới, những mâu thuẫn, khuyết tật, xu hướng vận động và quá trình phát triển đi tới phủ định biện chứng của nó để chuyển sang chủ nghĩa xã hội với những phương thức, phương pháp và thời điểm thích hợp.

Ba là, nhận thức cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại với nguyên nhân, bản chất, quy luật, thành tựu hạn chế và dự báo xu hướng phát triển cùng tác động, ảnh hưởng của nó đến con người và xã hội. Trên cơ sở đó, chắt lọc những thành tựu khái quát lý luận, bổ sung và phát triển hệ thống các phạm trù, nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bốn là, nhận thức sâu sắc quá trình toàn cầu hóa với những nguyên nhân, bản chất, quy luật, mâu thuẫn, xung đột và xu hướng phát triển của nó. Đánh giá hiệu quả (tích cực và tiêu cực) của toàn cầu hóa đối với con người và xã hội. Trên cơ sở đó, khái quát lý luận, bổ sung và phát triển các phạm trù, nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Năm là, nghiên cứu các học thuyết xã hội hiện đại ở cả phương Đông và phương Tây (nhất là các học thuyết triết học, kinh tế chính trị học, xã hội học và quản lý phát triển xã hội...), những vấn đề lý luận và thực tiễn mới của thời đại để tiếp thu tinh hoa văn hóa, trí tuệ của nhân loại, bổ sung và làm giàu thêm hệ giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với mọi quan điểm thù địch, bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần thúc đẩy khoa học và thực tiễn phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ.

Cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa hệ tư tưởng của giai cấp công nhân cách mạng với hệ tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản đã diễn ra hàng thế kỷ và chúng càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh hiện nay, khi chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn đang trong cuộc khủng hoảng và phong trào cách mạng thế giới vẫn còn ở giai đoạn thoái trào sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn với nhu cầu cấp bách là phải đổi mới để phát triển. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin để bảo vệ, bổ sung, phát triển nó lên một trình độ mới có một tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa sống còn đối với những người cộng sản và các đảng cộng sản cách mạng chân chính trên thế giới, đối với tương lai của chủ nghĩa xã hội và đối với sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội đã và đang kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới. Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta và làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân là điều kiện cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định nhất để Đảng và nhân dân ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                                                     T.H.H-H2

 

0 nhận xét: