CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN ĐẾN QUAN ĐIỂM “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Vấn đề mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đã được đề cập rất sớm từ thời cổ đại. Tuy nhiên, chỉ đến khi chủ nghĩa Mác - Lênin mới đưa ra quan niệm thực sự khoa học về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn. C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện bước ngoặt cách mạng trong lý luận nhận thức, đưa ra quan điểm khoa học, cách mạng về cái khách quan và cái chủ quan, lý luận, thực tiễn, quan hệ giữa lý luận và thực tiễn.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin chủ nghĩa Mác - Lênin, thực tiễn là những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội. Còn lý luận là sản phẩm phát triển cao của nhận thức, là hệ thống tri thức phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất yếu của hiện thực khách quan.

Vấn đề lý luận và thực tiễn đã được thống nhất thành một chỉnh thể. Thực tiễn và lý luận là hai mặt đối lập vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn trong cùng một chỉnh thể thực tiễn.

Những cống hiến vĩ đại của Chủ nghĩa Mác - Lênin cả về lý luận và thực tiễn đã góp phần làm cho hệ thống lý luận của Mác, Ăngghen ngày càng hoàn bị. Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích về mặt lý luận, mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới bằng thực tiễn trên cơ sở lý luận. Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác đã dung hợp lý luận và thực tiễn của cuộc đấu tranh giai cấp thành một chỉnh thể không tách rời..”. Đó là mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng.

Quan niệm về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn chiếm một vị trí quan trọng trong lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác – Lênin, và trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thì thực tiễn là cái luôn giữ vai trò quyết định; còn lý luận có tính độc lập tương đối của nó. Điều này có nghĩa là: Sự hình thành và phát triển của lý luận một mặt, bị quy định bởi thực tiễn lịch sử xã hội, mặt khác lại phụ thuộc vào sự tác động của các yếu tố bên trong của nó.

Như vậy, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn có sự tác động qua lại và bổ trợ cho nhau. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn được hiểu theo cách phù hợp và tương thích cũng như tính điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn lại mang tính chất vận động, phát triển liên tục tương hỗ, bảo trợ giữa thực tiễn và lý luận.

Từ những quan điểm “Lý luận và Thực tiễn” của Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu trên, Hồ Chí Minh đã hệ thống hóa một cách tinh tế thành những quan điểm toàn diện và sâu sắc và rất thực tiễn về những vấn đề thực tiễn ở nước ta. Quan điểm “Nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc cách mạng về nhận thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". 

Từ thực tiễn, Người nói: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”. Nói thì cứ nói, nhưng làm thì cứ làm. Người nói: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn”, từ đó “nói phải đi đôi với làm”.

Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau. Hồ Chí Minh căn dặn: “học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”.

Tư tưởng này của Hồ Chí Minh cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với chúng ta. Người cũng lưu ý rằng, không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “kinh thánh”, là những công thức có sẵn, cứng nhắc mà nên biết vận dụng, cải biến, sáng tạo thành những thuật ngữ dễ hiểu, đơn giản để mọi người đều hiểu. Có như vậy thì việc nghiên cứu, học tập vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin mới có hiệu quả và những vấn đề lý luận cao siêu của chủ nghĩa Mác mới đi vào hiện thực được./.

NBL – H2

0 nhận xét: