CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

"TRUNG VỚI ĐẢNG" - PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP Của “Bộ đội Cụ Hồ” KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

 

Để xuyên tạc phẩm chất “Trung với Đảng” của Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi. Họ khẳng định rằng “quân đội không cần trung thành với Đảng có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn lịch sử”(!). Ở góc độ lý luận, họ cắt xén nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về nguồn gốc ra đời và bản chất giai cấp của quân đội, khi dẫn ra luận điểm “Quân đội chỉ xuất hiện khi có nhà nước, là một thành phần của nhà nước, do nhà nước nuôi dưỡng để bảo vệ Tổ quốc”. Từ đó, họ suy diễn ra: “quân đội chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng bất cứ đảng phái nào trong xã hội”(!). Để tăng sức thuyết phục cho lập luận trên và minh chứng cho luận điểm “quân đội chỉ có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc mà không có nghĩa vụ trung thành với bất cứ chính đảng nào”(!), họ viện dẫn các thể chế chính trị phương Tây, với chế độ đa đảng, quân đội ở đó không do đảng nào lãnh đạo. Về cơ sở thực tiễn, họ thường bỏ qua hoàn cảnh lịch sử cụ thể, dẫn ra sự kiện ngày 26-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân I) lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân” để cho rằng: “Hồ Chí Minh không yêu cầu Quân đội phải trung thành với Đảng”(!). Dựa vào đó, họ ra sức công kích, phủ nhận nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”; đòi bỏ quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng” ở Điều 65, Chương IV Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Họ cho rằng: “yêu cầu Quân đội phải trung thành với Đảng là không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh; không phù hợp với mô hình xây dựng Nhà nước pháp quyền”(!).

Những thủ đoạn nói trên thật là thâm hiểm, vì nghe thoáng qua có vẻ như đủ cả cơ sở lý luận và thực tiễn, nên đã mê hoặc được một bộ phận quần chúng nhân dân, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Không ít người cả tin, mất cảnh giác, dao động về lập trường, đã phụ họa với các thế lực thù địch, “tích cực” share (chia sẻ) những luận điệu sai trái đó trên mạng xã hội. Những người này không tỉnh táo để tự hỏi mình rằng: tại sao những luận điệu đó lại được các cơ quan truyền thông quốc tế vốn không có thiện cảm với Việt Nam, cùng những kẻ phản bội Tổ quốc, những người có thâm thù với cách mạng ở hải ngoại lại ra sức tung hô, cổ súy?

Cần khẳng định ngay rằng, mục tiêu của các thủ đoạn đó chỉ nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam - nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội cách mạng. Qua đó, làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phai nhạt bản chất giai cấp công nhân; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sang lập trường chính trị tư sản; không giữ được bản chất cách mạng, là công cụ bạo lực sắc bén để “bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa” như Điều 65 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 xác định. Những thủ đoạn đó không có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn, cần phải được vạch trần, bác bỏ.

Trước hết, về lý luận, Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin về quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Theo đó, Quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Xa rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Quân đội sẽ mất phương hướng chính trị và mục tiêu chiến đấu, không còn là quân đội cách mạng chiến đấu vì nhân dân. Đúng là quân đội là một thành phần của nhà nước, nhưng nhà nước nào cũng mang bản chất giai cấp của lực lượng chính trị cầm quyền, chịu sự chi phối của chính đảng cầm quyền. Ngay trong thể chế chính trị tư sản, dưới chế độ đa đảng, đảng nào cầm quyền thì đảng đó vẫn chi phối sự hoạt động của quân đội; Bộ trưởng Quốc phòng thường là người của đảng cầm quyền, hoặc thân đảng cầm quyền. Đó là chưa kể thực chất chế độ đa đảng ở những quốc gia đó không làm thay đổi được tính chất tư sản của nhà nước. Ở đó vẫn là sự cầm quyền của các đảng tư sản và nhà nước pháp quyền ở đó là nhà nước tư sản, nên quân đội ở nơi đây là công cụ bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản là chủ yếu.

Ở khía cạnh thực tiễn, cần phải hiểu đúng bối cảnh lịch sử đặc biệt của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân” để không mắc mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đó là thời kỳ Đảng ta đã rút vào hoạt động bí mật từ tháng 11-1945, nên không thể công khai yêu cầu “trung với Đảng” trong bối cảnh bấy giờ. Tách rời bối cảnh lịch sử đặc biệt đó để cho rằng Hồ Chí Minh không yêu cầu Quân đội phải trung thành với Đảng là sự xuyên tạc tư tưởng nhất quán của Người về mối quan hệ giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thật là nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta phải trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; bởi theo Người: “Quân đội ta… là một quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”1. Tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, tháng 8-1948 (khi Việt quốc và Việt cách đã tan rã sau vụ Ôn Như Hầu tháng 7-1946), Bác Hồ đã giải thích từ Trung trong 6 nhiệm vụ (trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung) của người tướng trong Quân đội. Người nói: “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng”2. Tại lễ phong quân hàm cho cán bộ cao cấp Quân đội, ngày 22-12-1958, Bác nói: “Trải qua 14 năm phấn đấu, Quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”3. Tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1964, Người khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”4. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Quân đội nhân dân Việt Nam “trung với nước, hiếu với dân” và “trung với Đảng, hiếu với dân” là thống nhất; là quan điểm xuyên suốt của Người về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội nhân dân với Tổ quốc và Đảng Cộng sản.

Thực tiễn lịch sử 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam chứng minh rằng: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu hết mực trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó được thể hiện: ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Bằng công tác tư tưởng, Quân đội ta lấy nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của mình; lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu chiến đấu của Quân đội. Bằng công tác tổ chức, hệ thống tổ chức Đảng từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ trong Quân đội, cùng hệ thống cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng của Đảng cũng được thiết lập, đảm bảo cho sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội luôn được giữ vững. Thông qua công tác cán bộ, công tác đảng, công tác chính trị đã xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Cùng với đó, thông qua các mặt công tác: chính sách, dân vận, địch vận, bảo vệ,… công tác đảng, công tác chính trị đã đảm bảo cho Quân đội luôn thực hiện nghiêm túc mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Nhờ thế mà mọi hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ đúng “con đường chính trị” của Đảng, nhiệm vụ quân sự luôn “phục tùng nhiệm vụ chính trị” của Đảng; đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

LQT-H8

0 nhận xét: