Nông dân, nông nghiệp, nông thôn là những hằng số của văn
hóa Việt Nam. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XX này, nhận định đó vẫn
còn đứng vững. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những giá trị cơ bản của
văn hóa Việt Nam được hình thành, được nuôi dưỡng, được trao truyền qua các thế
hệ trong sự tương tác giữa các thành tố con người - nông dân, phương thức mưu
sinh - nông nghiệp và không gian sống - nông thôn.
Nông dân
là chủ thể kiến tạo nên những giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống. Hệ giá trị
văn hóa, giá trị con người Việt Nam về cơ bản được sáng tạo, tích lũy, trao
truyền bởi những người nông dân. Từ lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn
kết, gắn bó cộng đồng, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý đến cần cù trong lao
động, giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử,… là những giá trị đã được kết
tinh trong quá trình sống, lao động, tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường
xã hội và với chính bản thân mình của những người nông dân chất phác. Họ cùng
nhau chia ngọt, sẻ bùi, cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm kể cả trong lúc thái
bình hay trong lúc can qua. Trải qua những biến thiên của lịch sử, những giá trị
văn hóa ấy được tạo dựng, vun đắp, trở thành bản sắc dân tộc.
Nông nghiệp
là sinh kế chủ yếu của người nông dân. Phương thức sản xuất nông nghiệp đã chi
phối mạnh mẽ tới việc hình thành các giá trị văn hóa, các chuẩn mực ứng xử và
các hoạt động văn hóa truyền thống. Hoạt động sản xuất nông nghiệp không chỉ
tác động đến việc hình thành các giá trị văn hóa vật chất mà còn tác động đến
việc hình thành các giá trị văn hóa tinh thần. Chính hoạt động sản xuất nông
nghiệp qui định hình thức quần cư. Làng từ ý nghĩa là điểm quần cư ban đầu đã dần
trở thành không gian cư trú, không gian xã hội và không gian văn hóa. Đời sống
tinh thần của người dân cũng gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đó là
tín ngưỡng, là lễ hội, là các hình thức diễn xướng dân gian gắn với vụ mùa, gắn
với những yếu tố của nghề nông.
Nông thôn
là không gian sáng tạo, trao truyền, phát huy bản sắc văn hóa và các giá trị
văn hóa. Nói đến nông thôn trước hết là phải nói đến làng - xã, từ làng - xã ta
có thể có một bức tranh khá toàn diện về xã hội nông thôn trong quá trình phát
triển. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng làng - xã Việt như một quốc gia thu nhỏ,
có đời sống vật chất và tinh thần bền vững. GS. Phan Đại Doãn khẳng định “Làng
Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của gia đình tiểu
nông mà chính bản thân nó là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, một tổ chức
xã hội”.
Nông thôn Việt Nam hiện nay đang chịu sự tác động đa chiều
của nhiều yếu tố, có cả những yếu tố thời đại và những yếu tố trong nước, những
yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, việc phát huy bản sắc, giá trị văn
hóa nông thôn Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề:
Thứ nhất,
về chủ thể của văn hóa nông thôn: Người nông dân hôm nay không còn quanh năm
“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa”. Người nông dân đã biết lên sàn thương
mại điện tử, khớp lệnh giao dịch bán nông sản đi khắp cả nước, thậm chí ra nước
ngoài. Người nông dân không chỉ “ăn bữa nay lo bữa mai” mà đang cháy bỏng khát
vọng làm giàu. Người nông dân không chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng mà đã đi
muôn nơi để mưu sinh, để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán. Người nông dân
không chỉ chân chất như củ khoai, củ sắn mà đã biết tính toán lợi nhuận. Và
cũng đã có một bộ phận người nông dân tha hóa, biết buôn gian, bán lận, chạy
theo tiếng gọi của đồng tiền mà quên mất những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Như vậy, sự lựa chọn giá trị của người nông dân đã bắt đầu có những thay đổi. Nếu
không có sự định hướng tốt, rất có thể những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
sẽ bị coi nhẹ, giá trị vật chất sẽ lên ngôi.
Thứ hai,
về phương thức sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công
nghiệp 4.0 đã có sự thay đổi lớn lao so với sản xuất nông nghiệp của giai đoạn
trước. Khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào để tăng năng suất,
chất lượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng.
Nhịp sống chậm rãi, mùa vụ vốn là đặc trưng của xã hội nông nghiệp giờ cũng trở
nên nhanh chóng hơn. Lối sống, nếp sống và những sinh hoạt văn hóa truyền thống
gắn bó với phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ bị phai nhạt, dần
thay thế bằng những lối sống, nếp sống mới. Trong thời buổi đổi thay này, nếu
không có bản lĩnh văn hóa để thích ứng một cách khoa học và có đạo lý với nhịp
sống mới thì dễ dẫn đến sự xung đột giữa các thế hệ, xung đột giữa các giá trị
truyền thống và các giá trị mới hình thành.
Thứ ba, về
không gian nông thôn. Quá trình đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở
nông thôn đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan nông thôn. Một mặt, diện mạo
nông thôn trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn với hệ thống điện, đường, trường,
trạm được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhưng mặt khác, cấu trúc không gian nông
thôn truyền thống đang bị thay đổi một cách tùy tiện. Nhiều di sản văn hóa ở
nông thôn đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Trong lúc các thiết chế
văn hóa mới chưa thực sự có chỗ đứng trong tâm thức của người dân thì các thiết
chế văn hóa truyền thống đã bị mai một. Bản sắc và các giá trị văn hóa được
hình thành trong một môi trường sinh thái nhân văn nhất định. Môi trường sinh
thái nhân văn là tổng hòa của những yếu tố tự nhiên và văn hóa, xã hội tác động
đến sự hình thành, phát triển con người với tư cách vừa là một sinh thể tự
nhiên, vừa là một sinh thể xã hội. Nó có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành những
đặc trưng văn hóa, bản sắc văn hóa của các cộng đồng người. Những cư dân sống
trong vùng văn hóa biển có những phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, …
khác với những cư dân ở vùng văn hóa đồng bằng hay trung du, miền núi. Không
gian văn hóa biến đổi sẽ khiến các sáng tạo và thực hành văn hóa gặp nhiều khó
khăn, thậm chí là lụi tàn.
NCB H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét