CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

KLL - MẦM MỐNG BỆNH KINH NGHIỆM VÀ GIÁO ĐIỀU

 

Bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều là một sai lầm trong tư duy của chủ thể nhận thức. Người mắc các căn bệnh này thường có xu hướng hoặc là tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm hoặc tuyệt đối hóa vai trò của lý luận, do sai lầm đó, chủ thể nhận thức thường có những hành động gây ra tình trạng kém hiệu quả trong hoạt động của cá nhân và tổ chức. Ảnh hưởng của hai căn bệnh này, đặc biệt nguy hại khi chủ thể là những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, hiện nay bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều còn là một tượng khá phổ biến cần được khắc phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã không ngừng vận dụng các nguyên tắc nhận thức của Chủ nghĩa Mác- Lênin vào việc xây dựng các đường lối, chủ trương định hướng cho sự phát triển của đất nước. Một trong số đó, nguyên tắc mà Người quan tâm nhất là nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Người nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Nguyên tắc này đã trở thành cách thức và phương pháp hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình thực hành nguyên tắc này, Người đã phát hiện ra rằng, đội ngũ cán bộ ở nước ta thường yếu và thiếu lý luận, hiệu quả tổ chức các hoạt động không cao. Từ đó, Người chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế là do nhiều người “chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”[2]. Nói như vậy, không có nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thường kinh nghiệm, theo Người kinh nghiệm cũng rất quý nhưng nó cũng có giới hạn nhất định: có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Chính vì phát hiện ra những điều trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc cán bộ học phải đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn… cần trở thành phương châm hành động của người cán bộ.

Cho dù Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài phát biểu, nhiều lời căn dặn cán bộ phải coi trọng cả kinh nghiệm, lý luận, tránh rơi vào bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, song đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện của hai căn bệnh này. Điều đó đang ảnh hưởng tới kết quả quá trình hoạt động thực tiễn của các địa phương.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trong nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, coi nguyên tắc này là một trong những căn cứ lý luận cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”[3].

Bệnh giáo điều là khuynh hướng tư tưởng cường điệu hóa vai trò của lý luận, coi nhẹ thực tiễn, tách rời lý luận khỏi thực tiễn, thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể. Biểu hiện: (1) Nắm lý luận chỉ dùng ở câu chữ theo kiểu “tầm chương trích cú”, không nắm được thực chất khoa học của lý luận, không tiêu hóa được kiến thức sách vở; (2) Coi những nguyên lý, lý luận như những tín điều, không thấy được sức sống của lý luận là ở chỗ phải luôn sửa đổi, bổ sung, phát triển trên cơ sở thực tiễn mới; (3) Vận dụng lý luận và những kinh nghiệm đã có một cách rập khuôn, máy móc, không tính đến điều kiện lịch sử - cụ thể, đến trình độ của thực tiễn. Nguyên nhân của bệnh giáo điều là không biết vận dụng lý luận vào thực tế, không biết đem lý luận ra thực hành. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.”[4].

Bệnh kinh nghiệm là khuynh hướng tư tưởng tuyệt đối hóa kinh nghiệm, coi thường lý luận khoa học. Biểu hiện: (1) Thỏa mãn với vốn kinh nghiệm của bản thân, ngại học lý luận, không chịu khó nâng cao trình độ lý luận; (2) Tiếp xúc với lý luận ở trình độ tư duy kinh nghiệm từ đó đơn giản hóa, thông tục hóa, kinh nghiệm hóa lý luận, cố gắng “đẽo gọt” lý luận cho vừa với khuôn khổ, kích thước kinh nghiệm của mình; (3) Coi thường lý luận, không tin vào lý luận và không chịu khó vận dụng lý luận vào thực tiễn. Nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm cũng là do không hiểu, không thấy được vai trò to lớn của lý luận khoa học đối với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[5].

DKH H2

0 nhận xét: