CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

QUÁN TRIỆT THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII VÀO CỦA ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ PHÊ PHÁN, PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

  

Tình hình thế giới, khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 từng bước được khống chế ở các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tính mạng và kinh tế của nhân dân cả nước, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta...”.

Một trong những công việc trọng tâm của Hội nghị lần này là Trung ương tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và tiếp tục đề ra những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thực hiện nghị quyết này trong thời gian tới.

Việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng (XD, CĐĐ) không phải mới diễn ra những năm gần đây. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng đi đôi với củng cố, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Đại hội lần thứ VI (năm 1986) - Đại hội của đổi mới, Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác XD, CĐĐ. Đại hội VII của Đảng khẳng định, tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là công việc thường xuyên bảo đảm cho Đảng ta luôn ngang tầm nhiệm vụ cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII (1999), Đảng ta đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác XD, CĐĐ.

Thật là khách quan trùng hợp khi liên tiếp trong 3 khóa: Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2011); Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (năm 2021), ngay sau khi kiện toàn xong về tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, công việc Trung ương quan tâm đầu tiên là công tác XD, CĐĐ. Điều này không chỉ cho thấy sự quan trọng của công tác XD, CĐĐ, mà còn cho thấy một quyết tâm lớn của Trung ương Đảng trong đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cuộc đấu tranh có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực được đẩy mạnh, hầu như không còn vùng cấm và không còn ngoại lệ. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (tăng 18% so với nhiệm kỳ XI). Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). Trong số này, 27 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ở các địa phương, hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật bởi suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật, tăng 18,5% so với nhiệm kỳ XI. Có lẽ, chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ, đảng viên, cán bộ cấp cao, bất kể là đương chức hay đã về hưu, bị xử lý kỷ luật như vậy. Trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, những cụm từ “không còn vùng cấm”, “không còn hạ cánh an toàn” đã không còn mới lạ. Đó cũng là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Kết quả đó không chỉ có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa tiêu cực, mà còn củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ XHCN.

Quyết liệt hơn trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực là chủ trương đúng đắn của Đảng. Bởi lẽ, công cuộc XD, CĐĐ vừa qua đã tạo niềm tin lớn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII này, tinh thần đó chắc chắn sẽ tiếp tục được thể hiện quyết liệt hơn. Khi nói về XD, CĐĐ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đây là công việc khó, phức tạp vì nó là công tác con người, dễ động chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó, khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về XD, CĐĐ.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá kết quả việc phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua và tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường XD, CĐĐ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là XD, CĐĐ. Trong đó, gắn XD, CĐĐ với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp hẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Hiện nay, các thế lực thù địch gia tăng chống phá Đảng ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận với phương thức, thủ đoạn, biểu hiện chống phá của chúng có nhiều thay đổi, tinh vi, phức tạp hơn khiến nhiều cán bộ, đảng viên không dễ dàng nhận biết để đấu tranh ngăn chặn, bác bỏ kịp thời, có hiệu quả. Mục đích cao nhất, có tính chiến lược của các thế lực thù địch chống phá Đảng ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nhằm làm cho Đảng và nhân dân ta xa rời, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là làm cho cán bộ, đảng viên ta từ bỏ nền tảng tư tưởng - vũ khí tinh thần, từ bỏ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Thực hiện mục đích đó, chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức tinh vi, xảo quyệt thích ứng với mọi tình hình, mọi đối tượng, mọi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau. Công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng và Nhà nước ta vì thế cũng vô cùng phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải có tư duy mới và hành động hiệu quả hơn. Trong thực tế thật khó có thể tách bạch âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch về tư tưởng, lý luận đối với Đảng và nhân dân ta hiện nay. Chúng được tiến hành đan xen, ẩn hiện trong nhau rất tinh vi, khó xác định dưới nhiều màu sắc, cấp độ khác nhau, lẫn lộn thật - giả, đúng - sai... khiến người ta khó phân biệt, dễ lầm lẫn, khó đấu tranh.

Một là, phủ nhận, chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên phương diện tư tưởng, lý luận, chúng luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tung ra những luận điệu cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo là “mất dân chủ”, là “chuyên chế”, “đặc quyền, đặc lợi”, là “bóp nghẹt dân chủ”...; rằng, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có “dân chủ” trong Đảng và trong đời sống xã hội. Chúng đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận quyền lãnh đạo của Đảng. Đây là mục tiêu không mới nhưng chúng kiên trì với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu” bằng những chiêu trò mới, hòng thực hiện đến cùng việc chống phá Đảng ta.

Hai là, chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng.

Âm mưu, thủ đoạn phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được chúng tiến hành từ lâu. Đặc biệt, từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lâm vào khủng hoảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đã “chớp thời cơ”, coi đây là “thời cơ vàng” tấn công nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản ở các nước kiên trì phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.

Ba là, chống phá đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta.

Các thế lực thù địch luôn coi đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta là mục tiêu chống phá. Thực hiện mục tiêu ấy, chúng dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, bác bỏ, chống phá. Mặc dù “lý lẽ” đã cũ rích, nhưng chúng vẫn không từ bỏ, luôn rêu rao rằng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin “đã sai lầm”, “lỗi thời”, “lạc hậu”, thể hiện ở sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Chúng dẫn ra các hiện tượng, hình thức, trái với bản chất để mê hoặc, lôi kéo những người thiếu hiểu biết khoa học, như “lý sự” rằng: “đã kinh tế thị trường thì đâu còn là chủ nghĩa xã hội”; “chủ nghĩa xã hội không phải là cái đích của loài người đi tới”; “chủ nghĩa tư bản là trường cửu”; Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam “bảo thủ” duy trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “trái với quy luật”, “không phù hợp với thời đại mới” v.v và v.v..

Bốn là, chia rẽ khối đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân.

Các thế lực thù địch luôn tấn công hòng phá vỡ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, khối đồng thuận xã hội, gây nên sự ly tán, chia rẽ, suy giảm sức mạnh của Đảng, của nhân dân. Chúng chia rẽ nội bộ Đảng, giữa cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, bịa đặt về sự hình thành “phe này”, “phái nọ” để gây hoang mang trong nhân dân. Chúng lợi dụng việc thực hiện công khai, minh bạch của Đảng trong đấu tranh chống tham nhũng và xử lý nghiêm minh một số cán bộ, đảng viên vi phạm để chia rẽ nội bộ. Chúng xuyên tạc rằng “đây chỉ là sự thanh trừ phe này, phe nọ”, không thấy đây chính là quá trình làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng có tính quy luật trên đường phát triển, là việc làm phù hợp với lòng dân, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ. Chúng ra sức kích động chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo; giữa cán bộ và nhân dân; giữa đảng viên và quần chúng... Chúng thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên rồi đi đến khái quát một cách hàm hồ, nói xấu Đảng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ra sức lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động gây bất ổn chính trị - xã hội; lợi dụng các bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết kịp thời để kích động tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh, xung đột xã hội, làm cho nhân dân không tin cán bộ, đảng viên, dẫn đến không tin Đảng, tìm “con đường khác”, “cách sống khác” do chúng vẽ ra. Đây là âm mưu, thủ đoạn phá hoại ta từ bên trong, từ trong nội bộ, từ trong lòng dân, từ trong tư tưởng, tình cảm của con người trong xã hội.

Năm là, cản trở sự phát triển của đất nước.

Các thế lực thù địch luôn có âm mưu, thủ đoạn cản trở sự phát triển của đất nước, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo suốt hơn 30 năm qua. Chúng tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc trái với quan điểm, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Chúng kết hợp chống phá đường lối chính trị với chống phá trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong từng lĩnh vực, chúng khai thác triệt để những sơ hở, yếu kém của ta để xuyên tạc, nói xấu, móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài cản trở mọi hoạt động của ta. Chúng tạo cơ hội hoặc tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức gây rối, các hoạt động tội phạm, các hoạt động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây rối loạn, bất ổn xã hội.

Bên cạnh đó, chúng cổ vũ, tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng dẫn đến “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, đảng viên với những biểu hiện, như tự xa rời, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chạy theo “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”... Chúng tuyên truyền, cổ vũ lối sống thực dụng, hưởng lạc, tôn thờ đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân, bất chấp đạo lý, pháp luật, kỷ cương, hòng tạo nên tình trạng xã hội rối loạn, bất ổn, gây mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước

Vì vậy, hơn bao giờ hết, “trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1], nếu Đảng không vững mạnh, trong sạch thì niềm tin trong dân sẽ giảm dần. Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, để Đảng xứng đáng “là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, Đảng ta phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Bài viết của Tổng Bí thư đã nhấn mạnh “Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Đây là khẳng định quan trọng, có tính hiệu triệu tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”./.

NTP-H2

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tr.190, HN, 2021.

0 nhận xét: