CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

VIỆT NAM TÍCH CỰC THAM GIA VIỆC THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI

 

Trước các luận điệu xuyên tạc, phương thức, thủ đoạn, mục tiêu chống phá, vu cáo về nhân quyền ở Việt Nam, chúng ta cần xem xét, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện âm mưu, thủ đoạn và xác định rõ bản chất của các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vạch trần các luận điệu thù địch, bảo vệ những giá trị cốt lõi về quyền con người ở Việt Nam. Trong thực tiễn Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách để bảo đảm quyền con người và là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Không chỉ triển khai, thực thi chính sách bảo đảm quyền con người ở trong nước, những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Điều này thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng ‎thuận rất cao những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của AICHR theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện AICHR, các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, diễn ra cuối tháng 11-2020, các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020, đã dẫn dắt hoạt động của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước những tác động của đại dịch, mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện quan trọng định hướng hợp tác AICHR trong thời gian tới.

Việt Nam quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, chú trọng đến nhóm yếu thế như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác trong AICHR, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch Covid-19, được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Đồng thời, Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó Việt Nam đã cùng với Philippines và Bangladesh trực tiếp soạn thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người đã được chính thức thông qua vào tháng 7-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Như vậy có thể khẳng định rằng, những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 35 năm qua là minh chứng sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người. Điều này tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”./.

Tia chớp

0 nhận xét: