Ngày nay, với khả năng giúp con người tạo dựng
những mối quan hệ vượt ra ngoài giới hạn không gian và thời gian để giao lưu,
chia sẻ, mạng xã hội đã trở thành một thứ “quyền lực” trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, từ vai trò, mục đích của người sử dụng, mạng xã hội phát huy được một
số tính năng ưu việt và cũng sớm bộc lộ một số hạn chế, có thể đẩy tới hiểm họa,
tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người.
Trên phương diện nhất định, mạng xã hội đã làm
hình thành một lớp công dân mạng làm truyền thông qua việc tự đăng tải thông
tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát triển trí tuệ…
Song, từ các nguyên nhân khác nhau mà bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng sớm
bộc lộ nhiều bất cập, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời
sống. Chỉ riêng về chính trị - xã hội, mạng xã hội đã làm phức tạp, gây tai họa
cho nhiều quốc gia. Chẳng hạn, các biến động chính trị xã hội ở Bắc Phi, Trung
Đông đều có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội làm công cụ
để truyền bá thông tin, liên lạc và tổ chức hoạt động. Họ sử dụng mạng xã hội
như “vũ khí” lợi hại để quảng bá cái gọi là “giá trị dân chủ”, thúc đẩy “cách mạng
mầu”, tổ chức lật đổ hoặc thay đổi thể chế ở một số nước.
Với Việt Nam, gần đây, mạng xã hội như đã trở
thành môi trường để một số người truyền bá luận điệu sai trái, đưa ra thông tin
xấu độc, gây hại, công bố phát ngôn gây thù hận; đồng thời bị một số người lợi
dụng để thể hiện hành vi phản văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, sử dụng ngôn
từ tục tĩu để thóa mạ, chửi bới người không có cùng quan điểm. Một số trường hợp,
khi đến với công chúng, mạng xã hội còn làm cho thông tin chính thống bị nhiễu
loạn, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Có thể nói, mạng xã hội đang
giống như “mê hồn trận”, làm cho con người khó phân biệt đâu là tin thật, đâu
là tin giả... Và nổi lên trong đó là việc một mặt các thế lực thù địch lợi dụng
mạng xã hội để hô hào tụ tập đông người phản đối chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước, cố gắng kích động dư luận, biến bức xúc thành bạo động, khiến sinh
hoạt xã hội trở nên phức tạp; mặt khác, họ triệt để lợi dụng mạng xã hội để
hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước;
thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài
nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân để tạo điều kiện, môi
trường thực hiện “cách mạng mầu”; đồng thời cổ xúy cho các luận điệu dân chủ,
nhân quyền, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí,
tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho “diễn biến hòa bình”,
thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, chủ động ngăn chặn hiểm họa từ
mặt trái của mạng xã hội đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, với các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả... Cụ thể như:
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách
nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội. Đây là
vấn đề có ý nghĩa quyết định, vì sự lệch lạc trong nhận thức về chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến ngộ nhận, sai lầm trong hành vi và làm cho an
ninh, trật tự có thể chứa đựng mối nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, cần chủ động,
tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người nhận thức được tác động tiêu cực
từ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không vô tình tiếp tay cho hoạt động
chống phá, và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp
để quản lý internet trên cơ sở hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng và các luật,
bộ luật liên quan. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của internet, nhất
là mạng xã hội, luôn có thể xuất hiện một (những) vấn đề mới, dễ làm cho một số
quy định pháp luật trở nên lạc hậu, bất cập hoặc không còn phù hợp, vì vậy cần
thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, nếu cần thiết phải kịp thời điều chỉnh,
bổ sung, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách,... giúp quản lý
hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt
xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội với các vấn đề
mới của nó.
Ba là, hoạch định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm
chủ động, kịp thời, hiệu quả trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Giải pháp
về công nghệ đưa tới các biện pháp kỹ thuật phù hợp, theo kịp sự phát triển của
internet, khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước,
khuyến khích các cơ quan, tổ chức xây dựng mạng xã hội nội bộ. Giải pháp về
công cụ giúp quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; định lượng truy cập mạng
xã hội làm căn cứ để đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách quản lý nhà
nước. Giải pháp về công cụ lọc giúp phát hiện tin giả, tin sai sự thật… từ đó
chủ động ngăn chặn sự lan truyền, cảnh báo tin giả ngay từ khi xuất hiện trên mạng
xã hội. Giải pháp về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp
giúp vào việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên internet, trực tiếp
là mạng xã hội. Do đặc điểm “không có biên giới rõ ràng” của môi trường mạng xã
hội cho nên cần có phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước và
các định chế quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài
như Facebook, Google, Twitter để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những nguy
cơ, hiểm họa có thể xảy ra.
Bốn là, xây dựng và nâng cao khả năng đấu
tranh của lực lượng nòng cốt chuyên sâu, bởi căn cốt của vấn đề là vai trò của
con người, và đây là lực lượng quan trọng đặc biệt, là yếu tố quyết định hiệu
quả phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên internet. Vì thế, mỗi công dân, nhất
là cán bộ, đảng viên, cần thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất
và năng lực toàn diện; có kiến thức chuyên môn cao khi khai thác, sử dụng
internet; có năng lực tư duy phản biện với khả năng diễn đạt, luận chiến tốt;
nhiệt huyết và dũng khí, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Như vậy, cần đa dạng hóa hình thức và
phương pháp đấu tranh theo hướng: thiết lập và sử dụng các website, blog, diễn
đàn, đăng tải những bài viết sâu sắc về lý luận - thực tiễn; chủ động cung cấp
thông tin, phối hợp các cơ quan báo chí để viết bài đấu tranh chống quan điểm
sai trái, thù địch trên internet, trực tiếp là mạng xã hội… Qua đó, vừa vô hiệu
hóa các trang mạng “độc hại”, vừa góp phần hướng dẫn dư luận xã hội.
Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ phát
triển rất nhanh về internet và tính đến nay đã có hơn 60 triệu người sử dụng
Facebook, chưa kể các mạng xã hội khác, đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người
dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có người dùng Facebook, YouTube
cao nhất thế giới. Vì vậy, việc chủ động đẩy lùi hiểm họa từ mặt tiêu cực của mạng
xã hội cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, với sự phối hợp chặt
chẽ của các tổ chức, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị,
kết hợp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần
chúng. Và khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên,... cần
xác định trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt, tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan
tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu độc, tạo thành
phong trào rộng khắp cùng hướng tới một văn hóa internet, trong đó có mạng xã hội,
ngày càng tích cực, lành mạnh./.
Tia
chớp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét