CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI

 

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là một vấn đề lớn, cần có lộ trình và bước đi thích hợp, sát thực tiễn ở từng vùng, miền của đất nước. Nội dung xây dựng nông thôn hiện đại chính là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Để xây dựng nông thôn hiện đại, các cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khai thác mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng nông thôn hiện đại phải có quy hoạch phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, với tầm nhìn lâu dài, có các khu chức năng dân sinh, khu công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp và dịch vụ bảo đảm giải quyết được việc làm có thu nhập cao cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu “ly nông không ly hương”, gắn với bảo vệ tốt môi trường; đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch hiệu quả. Khai thác, phát huy tối đa nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở văn hóa, thương mại, thông tin và truyền thông, nhà ở khu vực nông thôn... từng bước đồng bộ, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng nông thôn hiện đại gắn với những tiến bộ trong thực hiện tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo đa chiều, có tỷ lệ lao động được đào tạo nghề cao, phát triển đa dạng các mô hình liên kết, mô hình hợp tác xã, khuyến nông, phát triển làng nghề,... để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng nông thôn hiện đại phải gắn với phát triển văn hóa - xã hội - môi trường, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời, xây dựng nông thôn hiện đại, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức có kiến thức, kinh nghiệm, có phẩm chất, đạo đức tốt, luôn gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Trên cơ sở đó, từng bước phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Để đạt được mục tiêu to lớn đó, trước hết các bộ, ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn về xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân; phát huy, khai thác mọi nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn trung ương, vốn địa phương, vốn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn. Đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất - yếu tố quyết định việc tăng thu nhập của người nông dân. Việc tổ chức lại sản xuất phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng,...

0 nhận xét: