CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN


Tháng 10-1923, tham luận ở Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất, tại Mát-xcơ-va (Nga), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột”. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” đăng trên báo Cứu quốc dưới bút danh Đ.X, từ ngày 16-1 đến ngày 23-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc đặc điểm, tình hình nông dân dưới chế độ thực dân và phong kiến: “Nông dân thì nghèo khổ đã sẵn, lại bị sưu cao, thuế nặng. Địa chủ lấy địa tô quá nặng, cho vay cắt họng, làm cho nông dân nhiều khi phải bán vợ đợ con. Nếu gặp hạn hán bão lụt, là chết đói đầy đường”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của giai cấp nông dân, với tư cách là lực lượng cách mạng, là lực lượng có sức mạnh “long trời lở đất”, nếu như được tổ chức lại dưới sự dẫn dắt của đảng cộng sản; đồng thời, Người phân tích rõ, nhấn mạnh nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. Trong lịch sử dân tộc, giai cấp nông dân luôn là lực lượng chủ lực trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản năm 1923, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước”; do đó, khi xác định vai trò quan trọng của giai cấp nông dân, Người khẳng định: “Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực. Đó là một sự thực hiển nhiên đối với cả hai cuộc cách mạng - cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng vô sản”.

Nhận thức rõ vai trò của nông dân, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa Người còn chỉ rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân./ Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”. Đánh giá rõ vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Nghị quyết Đại hội III của Đảng tháng 9-1960 khẳng định: “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân về thực chất là cuộc cách mạng nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Trong bài “Gửi Nông gia Việt Nam” đăng trên tờ báo Tấc đất số 1 ngày 7-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Thực tế cho thấy, nông dân là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra lương thực để nuôi sống xã hội. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm vấn đề nông dân và nông nghiệp: “Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn./ Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”. Người khẳng định: “Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sĩ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sĩ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất tốt để bộ đội và nhân dân ta ăn no đánh thắng. Vì vậy, nhiệm vụ của các hợp tác xã nông nghiệp, của bà con xã viên, của cán bộ công tác ở nông thôn là rất quan trọng”(11). Rõ ràng, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ vị trí, vai trò của việc hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Tuy nhiên, Người khẳng định, giai cấp nông dân phải có giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất - lãnh đạo, dẫn dắt thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực hiện cho được liên minh công - nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công - nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Người đã phân tích rất sâu sắc về liên minh công - nông, nhấn mạnh liên minh quần chúng nông dân đông đảo với giai cấp công nhân là cơ sở chủ yếu để có thể lập ra một mặt trận dân tộc rộng rãi và vững chắc.

Trên cơ sở đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân đã có nhiều đóng góp quan trọng, to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nông dân cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

0 nhận xét: