Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng đất nước
phồn vinh, hạnh phúc thể hiện trên những nội dung sau:
Một là, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh,
nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại
tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng của Người đã được nhấn mạnh tại
Đại hội II của Đảng (1951): Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc
lập, dân chủ, phú cường. Người nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân
không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1].
Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc xây dựng,
phát triển đất nước giàu mạnh “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một
trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”[2]. Trước
lúc đi xa, trong Di chúc Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng
tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam
hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào
sự nghiệp cách mạng thế giới”[3].
Hai là, thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh
trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no
cho nhân dân.
Hồ Chí Minh ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước đã mang khát vọng lớn
lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: “Tôi
chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn
độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai
cũng được học hành”[4].
Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng,
chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc
dân.
Ba là, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách
có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.
Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ
Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân,
xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị
đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch
thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946, Hồ Chí Minh
phát biểu mong muốn mọi người đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và
xã hội. Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho
dân có học hành.
Bốn là, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực,
có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Người chỉ rõ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở
cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc
tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư, tạo ra những điều kiện
phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân
dân.
Năm là, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận
dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp;
không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội
chủ nghĩa đòi hỏi Việt Nam phải có cách làm, bước đi và biện pháp thích hợp.
“Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa
lý khác... ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[5].
Theo Người: Chúng ta dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác -
Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những
đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật
phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm,
bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta.
Quán triệt, nắm chắc tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh
phúc là cơ sở để chúng ta ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu giữ
gìn thành quả cách mạng của ông cha, bảo vệ vững chắc độc lập dân
tộc, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang
đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc./.
ĐHQ-H2
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội. 2011, tập 4, trang
64
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội. 2011, tập 4, trang
40
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội. 2011, tập 15,
trang 624
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội. 2011, tập 4, trang
187
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội. 2011, tập 10,
trang 391
0 nhận xét:
Đăng nhận xét