CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG CHO BỘ ĐỘI

 

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng chỉ thực sự phát huy được đầy đủ sức mạnh to lớn của mình khi được giác ngộ về chính trị và được tổ chức lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”. Lãnh đạo là đem tư tưởng, đường lối của Đảng quán triệt cho quần chúng nhân dân và tổ chức cho quần chúng nhân dân thực hiện tư tưởng, đường lối đó. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Nó tác động đến tư tưởng chính trị của con người bằng thuyết phục, làm sáng tỏ chân lý, bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng và khả năng tự chủ trong hành động.

Là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò, vị trí công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi đó là hoạt động quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Trước hết, nói về mục đích của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng”. Giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội là nhằm làm cho họ trở thành những quân nhân có giác ngộ cách mạng: giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, về tính đúng đắn, chính nghĩa của cuộc chiến đấu mà nhân dân ta, quân đội ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội là nhằm hình thành ở họ thế giới quan, niềm tin cộng sản, ý thức chính trị về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Việt Nam. Mục đích của giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không dừng lại ở xây dựng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, truyền đạt đường lối, nhiệm vụ của cách mạng, mà phải biến kiến thức đó thành ý chí, thành niềm tin và quyết tâm hành động “sẵn sàng chiến đấu, hi sinh” vì mục tiêu lý tưởng đó của người chiến sĩ. Chính trị không thể là chính trị suông mà phải là sự thống nhất giữa lý trí, tình cảm với hành động, thống nhất giữa lời nói và việc làm.

Giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải luôn xuất phát từ đường lối, nhiệm vụ của cách mạng; phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ đó. Giáo dục chính trị cho bộ đội phải được cụ thể hóa vào chức năng, nhiệm vụ của từng quân, binh chủng. Giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội là phải làm nổi bật lên sự thống nhất giữa chức năng chiến đấu của quân đội với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, làm rõ tính nhân đạo, nhân văn của bạo lực cách mạng, của chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Cán bộ, chiến sĩ phải đủ sức đề kháng chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, chức năng chiến đấu của quân đội ta với hành động xâm lược của quân đội đế quốc.

Về nội dung giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, Người cũng chỉ ra rất sâu sắc và toàn diện. Nội dung giáo dục chủ yếu là chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, giáo dục đạo đức cách mạng cho quân nhân. Người yêu cầu phải giáo dục cho bộ đội nâng cao giác ngộ quân nhân. Từ quan điểm lý luận chính trị như kim chỉ nam cho hành động của người xã hội chủ nghĩa. Trên nền tảng giáo dục chính trị tư tưởng đồng thời phải tích cực huấn luyện về quân sự và kỹ thuật, văn hóa và chuyên môn cho bộ đội.

Giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề phương châm, phương pháp huấn luyện. Về phương châm giáo dục chính trị trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, Người đã chỉ rõ là phải nâng cao tư tưởng vô sản đi đôi với khắc phục những tư tưởng sai lầm. Biểu dương ưu điểm đi đôi với sửa chữa khuyết điểm. Kiên nhẫn giáo dục thuyết phục kết hợp với phát huy tính tự giác của mỗi người. Giáo dục chính trị tư tưởng phải đạt tới tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong quân đội. Phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình để cho mình tiến bộ, đồng đội cũng tiến bộ.

Việc nghiên cứu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội để tiếp tục xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, nâng cao lập trường bản lĩnh chính trị như mong muốn của Đảng, ý nguyện của nhân dân, làm cho quân đội ta mãi mãi xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

P.T.H.H2

 

0 nhận xét: