Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết để nhận thức rõ hơn và giải quyết những yêu cầu bức thiết do thực tiễn đặt ra, nhất là vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất. Mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết thúc thời kỳ quá độ, xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp. Đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII chỉ rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam”[1] và “Thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập.”[2]. Về phương hướng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội XIII nhấn mạnh “Tập trung hoàn thiện nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội”[3].
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, kinh
tế thị trường là giá trị chung của nhân loại, được phát triển trong chủ nghĩa
tư bản. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy
đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm
định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu,
nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng
được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, chỉ rõ vị trí, vai
trò của các thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước là công cụ, lực
lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng,
điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết
tật của cơ chế thị trường. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ
hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên... Kinh tế tư nhân được
khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm...
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc
dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức
quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt
chẽ. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh
doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi
trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội
và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển,
gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường,
bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ
chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và
lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị
trường. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch
vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu
thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu
kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải
quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích
của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch
vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp
nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của
Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc
thực thi pháp luật.
Như vậy, trên cơ sở kế thừa, phát
triển Đảng ta đã có những bước tiến mới trong tư duy lý luận và vận dụng sáng
tạo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của
lực lượng sản xuất. Do đó, trong quán triệt và vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII
cần tập trung quán triệt các luận điểm cơ bản:
Một là, coi trọng phát triển mạnh
mẽ lực lượng sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất gắn với “đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá”[4]
và phát triển kinh tế số. Trong đó, xác định “Tiếp tục phát triển nhanh và bền
vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó
phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát
triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là
trọng yếu, thường xuyên”[5].
Hai là, nhất quán lâu dài với phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở
hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh
tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn
định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế,
xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Kinh tế tư nhân được
khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Đây là định hướng lớn trong xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát
triển của lực lượng sản xuất trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại
hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới trên các nội dung khác nhau; đặc biệt những
điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII về lý luận hình thái kinh tế - xã hội thể
hiện bước tiến mới của Đảng ta trong nhận thức và vận dụng quy luật về sự phù
hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuấtgóp phần
ngày càng làm sáng rõ con đường đi lên CNXH ở nước ta.
N.T.L - H2
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.99.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.102.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.222.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.111.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.110.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét