CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

“HOÀ BÌNH” HAI CHỮ THIÊNG LIÊNG

 

"Lịch sử của Việt Nam được viết bởi những cuộc chiến tranh và những chiến thắng. Đó là một nỗi niềm tự hào mà không phải dân tộc nào cũng có được, nhưng bên cạnh niềm tự hào thì còn những mất mát. Một thế hệ chiến thắng cũng chính là một thế hệ phải nếm trải đủ những đau thương."

Nhìn từ xung đột Ukraine - Nga, tôi càng thêm khâm phục những gì mà cha ông ta đã làm được hồi trước.

Không chấp nhận là một quốc gia thuộc địa, họ kiên cường đấu tranh trong bao nhiêu năm tháng. Họ thành lập quân đội, thành lập Việt Minh, đứng lên chống Pháp và Nhật. Họ đấu tranh bền bỉ, họ đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Họ khiến Pháp phải kí Hiệp định Genève qua đó Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam và chấm dứt chế độ thực dân cho toàn cõi Đông Dương.

Nhưng một lần nữa, lịch sử lại thử thách họ và đất nước “chia đôi”. Nhưng cuộc chiến lần này nhiều máu và nước mắt hơn. Và họ lại tiếp tục chiến đấu, hết lớp người này đến lớp người khác. Họ chiến đấu ở Quảng Trị, ở Củ Chi, ở Bến Tre, ở Trường Sơn… họ chống lại “những vũ khí hiện đại nhất thế giới lúc ấy” - trừ bom hạt nhân. Họ bắn rụng B52 - chiếc máy bay “vô đối” và không thể bị bắn hạ bấy giờ. Rồi một hiệp định nữa ra đời, người Mỹ phải rút quân và ngừng can thiệp vào Việt Nam. Đến mùa Xuân 1975, cuối cùng thì lãnh thổ Việt Nam thống nhất, họ nghĩ rằng đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng của họ.

Nhưng chỉ ít lâu sau, một chế độ diệt chủng ra đời, hàng ngàn người ở Ba Chúc bị thảm sát, biên giới Tây Nam bị đe dọa. Họ đưa những bằng chứng xác thực ra quốc tế nhưng không mấy ai quan tâm và một lần nữa, họ lại phải cầm súng. Và ở phía Bắc, những người đã-từng-là-đồng-chí tấn công Việt Nam, họ phải đối đầu với 2 kẻ địch một lúc. Kinh tế đi lùi mấy mươi năm, vừa phải chiến đấu, vừa phải chịu cấm vận, vừa phải chịu điều tiếng...

Thật may là những điều trên đã là quá khứ. Nhưng hòa bình vẫn mới chỉ hơn 30 năm mà thôi, bằng khoảng một phần ba quãng thời gian chiến tranh ngày trước.

Có một đoạn hội thoại không rõ thực hư rằng: Có sợ không? - Sợ. Nhưng tại sao sợ mà vẫn đánh? - Sợ mất nước.

Đó là vì sao mà tôi ghét sự xét lại lịch sử, ghét những luồng tư tưởng “đa chiều” nhưng chỉ toàn là “chiều phía bên kia”. Cách đây ít năm, lần đầu tiên được xem đoạn clip về những người lính Hồng quân Ukraine bị lứa trẻ tạt nước và chửi bới, mình đã nghĩ rằng liệu những điều này liệu có xảy ra trong tương lai ở Việt Nam hay không?

Nhìn về chiến tranh, để biết giá trị của hòa bình, nhìn về quá khứ để phát triển tương lai. Hãy nhìn về nước bạn, như Ukraine, Yemen, Syria… đã và đang trong vòng chiến để biết rằng cách đây nhiều năm, người nước ngoài nhìn về Việt Nam cũng như vậy. Đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ rằng Việt Nam vẫn còn chiến tranh, bạo lực, xung đột…

Sau chiến tranh thì sẽ là hòa bình. Nhưng có một nghịch lý là, phần lớn những người đã chiến đấu trong chiến tranh lại sẽ không thấy được hòa bình. Và phần lớn những người sống trong hòa bình lại không biết được chiến tranh ác liệt, dã man như thế nào. Phim ảnh, báo chí hay những thước phim chưa bao giờ mô tả được hết những gì đã diễn ra.

Những người đã chiến đấu hết mình bằng tình yêu Tổ Quốc và niềm tin vào tương lai độc lập. Còn những người đang sống trong hòa bình, hãy kế thừa niềm tin đó và giữ vững giá trị của hòa bình./.

TĐC-TT

0 nhận xét: