Hiện nay, sự va chạm, cọ xát lợi
ích giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Đồng thời, những chuyển động trong
quan hệ giữa các nước lớn chi phối sự vận động, phát triển của cục diện khu vực
và thế giới. Sự hợp tác đan xen cạnh tranh đều xoay quanh trục lợi ích, lấy lợi
ích là thước đo cao nhất trong quan hệ giữa các nước, nhất là các nước lớn, khiến
quan hệ quốc tế trở nên khó dự báo, tạo ra cơ hội lẫn thách thức đối với các nước
trong thúc đẩy quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong
nhận định của Đại hội XIII của Đảng: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi
theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng
đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa
cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các
nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức
mới”(1).
Bối cảnh tình hình thế giới cùng
những thay đổi trong nhận thức của các quốc gia đã đưa đến việc hình thành nhiều
loại hình quan hệ đối tác, đồng minh; đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần
giải quyết trong xử lý quan hệ giữa các quốc gia. Trong bối cảnh các nước lớn cạnh
tranh với nhau ngày càng gay gắt, sự đổi ngôi của các nền kinh tế hàng đầu thế
giới, xu thế tập hợp lực lượng để tranh giành ảnh hưởng, trở thành các cực
trong một cục diện thế giới mới, cùng với đó là các quốc gia - dân tộc đều đặt
lợi ích của mình lên trên hết, khiến việc xác định đối tác, đối tượng, các mặt
đối tác trong đối tượng và các mặt đối tượng trong đối tác trên thực tế rất khó
khăn, phức tạp. Thêm vào đó, việc xác định đối tượng, đối tác còn là vấn đề
tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế.
Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi
mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực,
cơ đồ, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Việc thiết lập được
một mạng lưới 30 đối tác chiến lược và toàn diện, đảm nhận thành công nhiều trọng
trách trong các tổ chức thế giới và khu vực đã mang lại cho đất nước một diện mạo
mới, sức vóc mới. Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn đang đứng trước nhiều
thách thức lớn đan xen và diễn biến phức tạp. Trong quan hệ với một số đối tác,
chúng ta vẫn còn phải đối phó với những tình huống phức tạp, khó lường. Bên cạnh
đó, Việt Nam tiếp tục là trọng điểm trong chiến lược chống phá của các thế lực
thù địch, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ…
Thứ nhất, xem xét hai yếu tố đối
tác, đối tượng cần đặt trong chỉnh thể thống nhất. Đối tác, đối tượng là hai mặt
của một vấn đề, trong một số đối tác vẫn có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn; và
trong mỗi đối tượng vẫn có những mặt có thể tranh thủ, hợp tác. Do vậy, việc
xác định đối tác, đối tượng tùy theo từng tình huống, hoàn cảnh, thời điểm cụ
thể, không cứng nhắc.
Khi đã nhận thức về đối tác và đối
tượng trong cùng một chủ thể thì phải lấy mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia -
dân tộc làm tiêu chuẩn để quyết định mức độ quan hệ hợp tác. Nghĩa là, trong
khi mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác cần nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện
các mâu thuẫn có thể nảy sinh để kịp thời đấu tranh. Đồng thời, trong đấu tranh
với đối tượng không có nghĩa là phân tuyến đối đầu mà cần tranh thủ mọi cơ hội
tìm hiểu, tạo lòng tin để đi đến tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và mở rộng
hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế
hiện nay đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, nhạy bén. Ngay trong những đối
tác cũng có cấp độ quan hệ khác nhau, như đối tác, đối tác toàn diện, đối tác
chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Ngay với đối tượng cũng có đối tượng
trong thời điểm nhất định, có đối tượng cơ bản, lâu dài. Thực tế cho thấy,
trong quan hệ quốc tế, với một quốc gia cụ thể, ở thời điểm, giai đoạn, lĩnh vực
này là đối tượng, nhưng vào thời điểm, giai đoạn, lĩnh vực khác lại có thể trở
thành đối tác. Thậm chí giữa những nước có thể chế chính trị khác nhau hoặc giữa
những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với nhau lại có thể thành đối tác, đối
tác chiến lược. Ngược lại, không ít quốc gia, tuy trước đây là đồng minh nhưng ở
vào thời điểm cụ thể, lĩnh vực nhất định vẫn có thể là đối tượng của nhau.
Thứ hai, việc xác định tính
chất đối tượng ngày nay cũng “mềm” hơn, uyển chuyển hơn, không cứng nhắc dựa
vào ý thức hệ như trước, xem mọi mối quan hệ theo khuôn khổ “địch - ta”. Trong
giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, đối
tác của chúng ta không chỉ khuôn hẹp trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước
cùng “phe” với ta, mà đa dạng, mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước
trên thế giới có chế độ chính trị khác nhau. Do vậy, có những nước vừa là đối
tác của ta, nhưng đồng thời vừa là đối tượng mà ta cần đấu tranh trên một số
lĩnh vực cụ thể.
Trên thực tế, tính chất “đối
tượng” ngày nay cũng “cởi mở” hơn đối với các nước. Trong những năm gần
đây, do tác động của cạnh tranh, tranh giành quyền lực nước lớn và một số nhân
tố nội bộ các nước, xu hướng tập hợp lực lượng vận động theo các hướng phức tạp
khác nhau, tác động nhiều chiều đến cục diện, cấu trúc khu vực cũng như mỗi quốc
gia trong khu vực. Mối quan hệ giữa các quốc gia hiện nay ngày càng đa dạng, phức
tạp. Xu hướng tập hợp lực lượng, liên kết đồng minh, từ cấp độ tiểu khu vực đến
toàn cầu, từ hai bên đến nhiều bên, từ chặt chẽ đến lỏng lẻo, từ chiến lược đến
ngắn hạn… ngày một rõ nét, chi phối các mối quan hệ giữa các nước trên thế
giới. Tập hợp lực lượng xuất phát từ các mục tiêu khác nhau. Do vậy, để có
thể liên minh, liên kết với nhau, các nước không nhất thiết phải có cùng hệ thống
chính trị. Những liên kết kinh tế - thương mại trở thành công cụ quan trọng
trong cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn nhằm giành
quyền dẫn dắt, tập hợp lực lượng ở các khu vực.
Việc xác định tính chất “mở”
trong các đối tượng sẽ giúp chúng ta có cách nhìn nhận, xử lý linh hoạt hơn, tạo
cơ sở cho hoạch định đường lối phát triển. Đồng thời với đó, để giành được lợi
ích tối đa trong quá trình hợp tác với các đối tác, Việt Nam cũng phải là đối
tác tin cậy, có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới,
bởi trong quan hệ quốc tế, sự “có đi, có lại” là cơ sở tạo lập mối quan hệ bền
vững, lâu dài.
Thứ ba, đối tác - đối tượng
là mối quan hệ có tính chất mềm dẻo, đan xen, chuyển hóa lẫn nhau. Do vậy, cần
thấy rõ tính biện chứng, cũng như sự linh hoạt giữa hai mặt đối tác và đối tượng,
nhận thức rõ sự “chuyển hóa mềm” trong cặp quan hệ đối tác - đối tượng. Trong
khi đấu tranh đẩy lùi mặt đối tượng cần tận dụng mặt đối tác, dù là nhỏ nhất, tạm
thời nhất để có thể hạn chế mặt đối tượng, từng bước biến đổi đối tượng thành đối
tác. Tuyệt đối tránh cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện về đối tác, đối tượng.
Nếu chỉ coi trọng xác định mặt tích cực mà không thấy mặt tiêu cực cùng những
mâu thuẫn của đối tác là không đúng. Tương tự, chỉ thấy mặt tiêu cực, những mâu
thuẫn, bất đồng, không thấy mặt tích cực, tương đồng trong từng đối tượng cũng
là nhận thức sai. Đây là một nhận thức hết sức quan trọng giúp chúng ta thúc đẩy
quan hệ, đổi mới trong xác định hình thức, nội dung quan hệ của các nước. Đặc
biệt, trong quan hệ với các nước phát triển, nhận thức này là cơ sở để ta thúc
đẩy quan hệ hợp tác trên các mặt quan trọng đối với công cuộc đổi mới của đất
nước, như tranh thủ nguồn vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm xử lý các vấn đề
toàn cầu, quản lý đất nước. Sự “chuyển hóa mềm” này xuất phát từ chính mục
tiêu, lợi ích của nước đó, đồng thời cũng được thúc đẩy bởi chính sách đối ngoại
của Việt Nam. Do vậy, về phía Việt Nam, để có thể thúc đẩy sự “chuyển hóa mềm”,
tận dụng mặt thuận lợi của “đối tượng”, giảm tính chất “đối tượng”, nâng cao hiệu
quả của quan hệ “đối tác”, cần tăng cường nội lực, bản lĩnh, độc lập, tự chủ,
kiên quyết không để đất nước rơi vào thế bị động, bất ngờ hoặc đối đầu, cô lập.
Tận dụng cơ hội để khai thác những điểm tương đồng; đồng thời, nhận rõ những điểm
còn tồn tại, bất đồng, thách thức để hóa giải, chủ động đối phó.
Thứ tư, trong đối tác cần phân
rõ thành các nhóm để có chủ trương và sách lược quan hệ, hợp tác. Cần xác
định rõ và có đối sách mềm dẻo, để vừa tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi
ích chiến lược giữa nước ta với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn,
các nước có quan hệ đối tác chiến lược, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống...
Thứ năm, trên cơ sở nhận diện
rõ đối tác, đối tượng, cần có cách ứng xử khôn khéo, linh hoạt, tùy thời điểm,
tình thế, tùy từng đối tác, đối tượng cụ thể, vừa hợp tác, vừa đấu tranh bằng
các biện pháp phù hợp. Hợp tác nhưng vẫn giữ độc lập, chủ quyền; đấu tranh
nhưng vẫn phải bảo đảm duy trì cục diện ổn định - phát triển, cục diện chính trị
- ngoại giao tổng thể cũng như quan hệ hợp tác. Đối với các đối tượng, chúng ta
vừa kiên trì, mềm dẻo, biết người, biết mình, giữ hòa hiếu, nhưng kiên quyết,
cứng rắn trong giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
“Thực tiễn cho thấy, giữa các đối tượng trên thế giới thường không phải lúc nào
lợi ích cũng trùng hợp nhau, và khi không trùng hợp, mỗi đối tượng tìm cách bảo
vệ lợi ích của mình. Vì vậy, trong quan hệ quốc tế, với bất cứ đối tượng nào đều
có hai mặt hợp tác và đấu tranh. Hợp tác một chiều hoặc đấu tranh một chiều đều
dẫn đến tình huống thua thiệt, bất lợi” (2). Với tinh thần “khép lại
quá khứ, hướng tới tương lai”,Việt Nam sẵn sàng hợp tác, là đối tác tin cậy,
tranh thủ những mặt thuận lợi trong mối quan hệ song phương để phục vụ công cuộc
phát triển đất nước. Trong khi tăng cường quan hệ đối tác, chúng ta vẫn kiên
trì đấu tranh, giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, các tình huống phức tạp,
mâu thuẫn, bất đồng, góp phần giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định
để phát triển đất nước. Xử lý mối quan hệ đối tác, đối tượng trên quan điểm tổng
thể, lấy lợi ích cơ bản, lâu dài của quốc gia, dân tộc làm nền tảng; không vì lợi
ích cục bộ, trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích lâu dài.
Thứ sáu, nhận thức về đối
tác, đối tượng là vấn đề cơ bản, lâu dài, thường trực, đòi hỏi phải luôn có sự
chuẩn bị, có chiến lược và chính sách tổng thể và cho từng giai đoạn. Để có nhận
thức đúng về đối tác, đối tượng, chúng ta cần coi trọng công tác nghiên cứu, dự
báo chiến lược, nhất là nghiên cứu, nắm vững tính chất, đặc điểm của từng đối
tác, đối tượng, các khả năng, nguy cơ, thách thức có thể tác động trực tiếp tới
hòa bình, ổn định của đất nước (cả trước mắt và lâu dài); từ đó, có những chính
sách ứng phó hiệu quả.
Mục tiêu cơ bản, lâu dài trong
nhận thức và vận dụng quan điểm về đối tác, đối tượng là nhằm không ngừng tăng
cường đoàn kết, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với bè bạn quốc tế, khai thác
mặt đối tác, ngăn ngừa, hạn chế, thu hẹp mặt đối tượng. Đấu tranh phê phán, bác
bỏ quan điểm, tư tưởng nhận thức máy móc, khô cứng, khi xem đối tác chỉ là để hợp
tác và coi đối tượng chỉ là để cô lập, đấu tranh. Nhận thức đúng mối quan hệ đối
tác, đối tượng là định hướng rất quan trọng để chúng ta xử lý các vấn đề, các
tình huống trong quan hệ hợp tác quốc tế một cách đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo.
Qua đó, tăng mặt đồng thuận, giảm thiểu bất đồng trong quan hệ quốc tế nhằm mục
tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đưa nước ta không ngừng phát triển, bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ
vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.
-----------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, à Nội,2021,tI,tr.105-106
(2) Hồng Hà: “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của ta”, Tạp chí
Cộng sản, số 12-1992, tr. 13
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét