CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

QUAN ĐIỂM “HỌC TRƯỚC HẾT ĐỂ LÀM VIỆC, LÀM NGƯỜI” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - Ý NGHĨA GIÁ TRỊ VỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY

 

Ngày 14/9/1949, khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đóng ở Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong trang đầu sổ vàng truyền thống của trường: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Tư tưởng đó được nêu ra khi đất nước còn đang trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc huấn luyện, đào tạo cán bộ từ rất sớm. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về việc học.

Từ năm 1946 đến hết năm 1949, Hồ Chủ tịch có thời gian đọc, nghiên cứu sách vở, tài liệu về xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền khi kháng chiến thành công, đồng thời dành nhiều thời gian viết báo để giáo dục tư tưởng về huấn luyện cán bộ, xây dựng chính quyền, rồi tập hợp in thành cuốn Sửa đổi lề lối làm việc. Trong đó, Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến việc huấn luyện cán bộ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Để hiểu quan niệm "học làm người" của Hồ Chủ tịch trước hết phải hiểu quan niệm của Chủ tịch về con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người". Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh con người phải có đủ những phẩm chất cơ bản ấy. Cụ thể hơn, con người phải có tình yêu thương đồng loại, lòng nhân ái. Vậy nên trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên "phải có tình đồng chí thương yêu nhau". Hồ Chủ tịch từng nói, muốn cho xã hội tốt đẹp thì bản thân mỗi người phải nén lợi ích cá nhân, vì lợi ích cộng đồng. Bác không phủ nhận lợi ích cá nhân nhưng quan niệm lợi ích cá nhân hoà vào lợi ích chung hoặc đặt dưới lợi ích chung. Thậm chí, nếu vì cái chung tốt đẹp thì mình sẵn sàng hi sinh cả tính mạng.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ lý tưởng sống "vì mọi người" khi gắn quyền lợi cá nhân với lợi ích dân tộc. Dù là nguyên thủ quốc gia nhưng Hồ Chủ tịch có cuộc sống giản dị như bao người khác. Khi ra đi, tài sản cá nhân để lại là số không tròn trĩnh. Hồ Chủ tịch cũng rất coi trọng đạo đức trong giáo dục làm người. Chủ tịch từng nói, sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, cây không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, nếu không có đạo đức cách mạng thì căn bản không làm nổi việc gì.

Dù quan điểm trên được Hồ Chủ tịch viết ra nhằm nhấn mạnh đến công tác huấn luyện cán bộ, nhưng đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự lớn với nền giáo dục quốc dân. Điều thú vị là năm 1996, tức 47 năm sau tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công bố Báo cáo Delors do hơn 10 chuyên gia giáo dục hàng đầu trên thế giới soạn thảo, trong đó nêu 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 là "học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau, học để làm người". Quan điểm giáo dục của UNESCO có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu từ năm 1949.

Theo Hồ Chủ tịch, giáo dục là để tạo ra con người có đức và có tài chứ không phải là lệch lạc một mặt nào đó. Điều khó nhất là phải học để làm việc, làm người rồi mới nghĩ đến làm cán bộ. Có như vậy thì mỗi cán bộ mới không trở thành "quan cách mạng". Căn cứ vào luận điểm của Bác Hồ, có thể thấy mục tiêu giáo dục trước hết là phải đào tạo ra con người có ích cho bản thân và xã hội. Giáo dục là khơi dậy và phát huy khả năng sẵn có của học sinh thay vì cố gắng nhồi nhét kiến thức. Mục tiêu của Hồ Chí Minh là phát huy tiềm năng của mỗi người, thắp cho mỗi người một ngọn lửa trong cuộc sống thay vì cố gắng đổ đầy "bình dầu" cho họ.

Nhưng hiện nay, giáo dục Việt Nam đang bị lệch mục tiêu so với quan điểm trên. Vậy nên học xong chương trình phổ thông, học sinh vẫn không được trang bị những kỹ năng cơ bản để ứng xử với bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên... Từ đó hình thành lớp người giao tiếp văn hoá, ứng xử kém, như trường hợp, mượn điện thoại của bác bảo vệ để gọi mẹ mang đồ đến trường. Nhưng gọi xong, cậu bé trả lại tôi rồi đi luôn, không nói một câu cám ơn. Đó là hệ quả của phương pháp giáo dục không coi trọng “làm việc, làm người”.

Xã hội Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện đáng lo ngại khi nhiều người chỉ chú trọng học để tiến thân, làm cán bộ, quan chức thay vì để làm việc, làm người. Họ phấn đấu bằng nhiều con đường khác nhau để có bằng cấp cao, được bổ nhiệm chức vụ cao hơn nhằm mưu cầu lợi ích cho bản thân, gia đình. Xã hội đang bị cuốn theo xu hướng học để có chức, có quyền. Từ đó sinh ra nạn chạy, mua bán bằng cấp, chứng chỉ, đi học thuê, học hộ... 

Xu hướng này ngày càng nở rộ, làm cho xã hội mải miết đua chen, tính thiện ngày càng ít đi. Dù kinh tế luôn tăng trưởng nhưng xã hội luôn trọng tình trạng bất an, cái xấu, cái ác xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, muốn xã hội tốt đẹp hơn thì trước hết phải làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi trọng giáo dục làm việc, làm người.

Muốn vậy, trước hết, Đảng phải có các giải pháp cơ bản để ngăn chặn suy thoái đạo đức, làm gương cho toàn xã hội. Đất nước phải xây dựng được một thể chế quản trị đất nước đảm bảo cho xã hội phát triển văn minh, dân chủ, tiến bộ, lành mạnh. Phải xây dựng nhà nước pháp quyền nghiêm minh, mọi cá nhân đều đứng dưới pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Như vậy mới chặn được nạn chạy bằng cấp, chạy chức quyền, để mỗi người nâng cao ý thức học “làm việc, làm người”.

Hiện nay cả ba không gian gia đình, nhà trường, xã hội đều đang khủng hoảng trong việc giáo dục thế hệ trẻ "học làm người". Trong gia đình hiện đại, mối dây liên hệ giữa các thành viên lỏng lẻo hơn, tình cảm cũng phai nhạt hơn trước, nên việc giáo dục tính thiện cho trẻ từ gia đình cũng không được chú trọng. Trường học quá nặng về bệnh thành tích. Xã hội đang bị xuống cấp đạo đức và ô nhiễm môi trường sống nặng nề.  Vì vậy, việc giáo dục trẻ em “học làm việc, làm người” nên bắt đầu từ cả ba không gian này. 

LHN-BC

0 nhận xét: