CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC VỀ HIỆP ĐỊNH PARIS (27/01/1973)

 

Ngày 24/01/2023, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “50 năm Hiệp định Paris: Thắng lợi vĩ đại hay hòa bình cay đắng”; ngày 29/01/2023, trên trang Facebook Chân Trời Mới Media, đối tượng Jackhamer Nguyễn tán phát bài “50 năm sau Hiệp định Paris, Việt Nam không còn lịch sử”, nội dung xuyên tạc lịch sử; phủ nhận công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam. Phải khẳng định đây là những luận điệu xuyên tạc lịch sử của những kẻ phản động, cơ hội với mục đích cuối cùng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam.

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ suốt 5 năm liền - một khoảng thời gian dài chưa từng thấy trong lịch sử đàm phán, kể từ phiên họp đầu tiên vào ngày 13-5-1968 đến khi kết thúc vào ngày 27-1-1973. Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Việc ký kết Hiệp định Paris cũng là thắng lợi của nhân dân Đông Dương cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung; thắng lợi của lực lượng xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tự do và tiến bộ trên thế giới. Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt sự dính líu về quân sự.

Hiệp định Paris được ký kết đã mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Với việc Mỹ rút quân nhưng lực lượng chính trị và vũ trang Việt Nam vẫn ở miền Nam đã tạo ra so sánh lực lượng mới, tạo thuận lợi cho việc đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào, buộc Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, đưa đến việc ký kết “Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc” ở Lào ngày 21-2-1973, tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn nước Lào vào năm 1975. Đối với Campuchia, Mỹ chấm dứt ném bom, đánh phá, mở đường và tạo cơ hội thuận lợi cho nhân dân Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4-1975. Hiệp định Paris và thắng lợi của nhân dân Việt Nam tạo cục diện mới ở Đông Nam Á, quân đội Mỹ rút khỏi Đông Dương, khối SEATO giải thể, xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

Đánh giá thắng lợi của Hiệp định Paris, trong lời kêu gọi ngày 28-1-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước VNDCCH khẳng định: “Với việc Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”; “Hiệp định Paris được ký kết là cơ sở chính trị và pháp lý đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, đảm bảo quyền tự quyết thiêng liêng của đồng bào ta ở miền Nam. Thắng lợi này là cơ sở để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước”.

Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra thế so sánh lực lượng có lợi cho quân và dân miền Nam tiến tới đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975.

0 nhận xét: