Có thể thấy, một trong
những nội dung quan trọng được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định tại Lễ kỷ
niệm, đó là Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Luận
cứ để mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có thể trở thành hiện thực
sinh động ở Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cứu nước,
giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản; đã đưa cách mạng Việt Nam trở
thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đã cùng Đảng lãnh đạo nhân
dân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945... Vì thế, ngắn gọn
và sâu sắc, sự kiên định đi theo con đường đã chọn của Việt Nam được Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng khẳng định trong bài phát biểu thể hiện rõ khát vọng hòa
bình, độc lập, tự do và tinh thần, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (bất
chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch và dù mô hình chủ nghĩa
xã hội hiện thực ở Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ vào
thập niên 1990). Đồng thời, khẳng định của Chủ tịch nước cũng cho thấy mục tiêu
này luôn được thể hiện nhất quán trong Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng; xuyên
suốt trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930); trong Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011), vì “theo tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tưới
chủ nghĩa xã hội (…). Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là
sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp
với xu thế phát triển của lịch sử”. Mục tiêu đó là sợi chỉ đỏ, in sâu, “nằm
lòng” trong tâm khảm mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng và mỗi người dân Việt Nam
yêu nước, yêu hòa bình, tự do, công lý và chủ nghĩa xã hội; đồng thời mục tiêu
đó cũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân kiên trì thực hiện hơn
93 năm qua.
Kiên định độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong bài phát biểu
của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Việc kiên định “lý tưởng độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn” như Chủ tịch
nước khẳng định không chỉ thể hiện một trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; một tâm thế
và ý chí Việt Nam trong dòng chảy của nhân loại trên hành trình đi đến tương
lai, mà còn cho thấy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam, con người Việt
Nam, tinh thần “hòa hiếu, nhân nghĩa từ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của
dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách của không gian và thời gian, hòa quyện với
tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với
Việt Nam” nhất định sẽ góp phần đưa Việt Nam “trở thành một quốc gia phát triển,
thu nhập cao vào năm 2045” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ và tiếp
tục được Chủ tịch nước khẳng định trong bài phát biểu.
Trên hành trình đi đến
tương lai, việc Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam “kiên định và vận dụng,
phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng;
kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa” là không thể phủ nhận. Đồng thời, vì độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ
Chí Minh và trong đường lối của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng;
là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại và cũng là mục tiêu tiếp theo của
cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cho nên Việt Nam kiên định đi lên chủ
nghĩa xã hội là để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, để xây dựng, bảo vệ, phát
triển đất nước ngày càng phồn vinh, vững bền và hạnh phúc. Vì thế, không phải
ngẫu nhiên bài học đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra tại Đại hội lần
thứ VII (1991) lại chính là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc
là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ
sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”.
Đồng thời, lý luận và
thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cũng cho thấy trong suốt tiến trình lãnh đạo
sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội,
trong gian khó của chiến tranh hay thử thách dù đã hòa bình thì vượt qua mọi
hoàn cảnh, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn kiên định độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội. Sự trung thành, nhất quán, kiên định đó không chỉ được ghi nhận
trong đường lối, chủ trương, Cương lĩnh chính trị của Đảng, mà còn được khẳng định
thông qua những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, an ninh,
quốc phòng, đối ngoại… của Việt Nam khi kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội, quyết
tâm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đó đã cho
thấy “đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển
mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới” và vị thế và uy tín quốc tế
của Việt Nam ngày càng được nâng cao đúng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng
định: “Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn đa phương,
chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển, bảo vệ quyền con người và đóng góp
tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới, được bạn bè quốc tế yêu mến. Trong mỗi
chặng đường phát triển của Việt Nam đều in đậm dấu ấn tình cảm tốt đẹp, sự ủng
hộ, hợp tác hiệu quả, thiết thực, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè
trên thế giới”. Tiếp nối tinh thần “sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/Lưng
đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên
ngang mà nhân ái chan hòa”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm:
“Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa
phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại về các
tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẽ luôn
là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, để vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác bền chặt giữa
Việt Nam và các đối tác khác trên toàn thế giới, vừa cùng chung sức phấn đấu
cho một thế giới hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Vì thế, con đường duy
nhất đúng để đất nước Việt Nam phát triển bền vững là độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội; và sự lựa chọn kiên quyết, đúng đắn, kiên định, sáng tạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam bao thập niên qua là phù hợp xu
thế phát triển của lịch sử. Và cũng vì thế, trong khi các thế lực thù địch thường
xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá, xuyên tạc sự thật, thì việc lựa chọn
“con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt
Nam và xu thế phát triển của thời đại” và sự “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới” để xây dựng và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ là sự lựa chọn đúng đắn, đáp ứng
yêu cầu của đất nước, mà còn là vấn đề nguyên tắc của sự nghiệp cách mạng dưới
sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam
kiên định thực hiện không phải là “chỉ được một vài người chóp bu trong đảng lựa
chọn (thậm chí chỉ do một người tự ý chọn theo sự hiểu biết sai lầm của mình) rồi
áp đặt cho những người khác” như các thế lực thù địch bôi đen, bịa đặt, mà đó
luôn là/chính là sự lựa chọn, kiên định đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
và mọi người dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đấu
tranh giành độc lập dân tộc, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thực tiễn
78 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã cho thấy, độc lập dân tộc là
điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội chính là
cơ sở để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc. Và cũng vì thế, luận điệu phản động
cho rằng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục
kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội “là một loại ngụy biện thô bạo, một
loại quen nói liều, quen nói dối trước hàng chục triệu người” của các thế lực
thù địch là bẻ cong sự thật lịch sử; là xuyên tạc nội dung bài phát biểu của Chủ
tịch nước, cần phải được mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam nhận diện,
nâng cao cảnh giác và bác bỏ!.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét