Cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc của chủ nghĩa xã hội
bắt đầu từ nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, đặc biệt sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô, đã
khiến cho phong trào cộng sản quốc tế
(PTCSQT) bước vào giai đoạn vận động phức tạp nhất trong lịch sử phát triển của
mình. CNXH lâm vào thoái trào, cán cân so sánh lực lượng thế giới nghiêng về
phía rất bất lợi cho các lực lượng cách mạng và tiến bộ. Trước tình hình này, nhiều học giả tư sản và các thế lực
thù địch cho rằng thời khắc “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản đã điểm”, thậm
chí còn trù tính cả thời hạn cho “sự sụp đổ dây chuyền” của các nước XHCN còn
lại. Tuy nhiên, gần hai thập niên
qua, chế độ XHCN ở nhiều nước vẫn trụ vững và có bước phát triển mới trước
những thử thách của thời cuộc. PTCSQT từng bước phục hồi cả về chính trị, tư
tưởng và tổ chức; đồng thời ngày càng có thêm những chuyển động tích cực, chứng
tỏ sức sống mãnh liệt của một phong trào hiện thực được định hướng bằng lý
tưởng - niềm tin khoa học và dựa trên một cơ sở giai cấp - xã hội sâu rộng.
NỘI DUNG
Nhìn tổng quát, PTCSQT
vẫn là một lực lượng chính trị to lớn trong thời đại ngày nay với gần 80 triệu
đảng viên cộng sản, đang kiên trì cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập
dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cho đến nay, các đảng cộng sản (ĐCS) cầm
quyền đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt nhất, tiếp tục lãnh đạo công
cuộc xây dựng CNXH trong cải cách và đổi mới. Các ĐCS chưa cầm quyền cũng đã có
những điều chỉnh về đường lối chiến lược và sách lược, tìm kiếm cách thức hoạt
động, đấu tranh bằng nhiều hình thức đa dạng, đổi mới tập hợp lực lượng, cải
thiện dần vai trò, vị trí trong đời sống chính trị đất nước, chuẩn bị những
tiền đề cho cách mạng xã hội trong tương lai. Sự củng cố, lớn mạnh của các ĐCS
cầm quyền và sự phục hồi nhất định của các ĐCS chưa cầm quyền đang mở ra triển
vọng mới cho PTCSQT trong thế kỷ XXI.
Thật vậy, tại các nước đi lên xây dựng CNXH như Trung
Quốc, Việt Nam, Cuba, CHDCND Triều Tiên và Lào, công cuộc cải cách, đổi mới
xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Do
đó, vai trò và ảnh hưởng của CNXH trên thế giới cũng được củng cố nhất định.
Các nước XHCN do nâng cao được vị thế quốc tế nên ngày càng trở thành những chủ
thể quan trọng của quan hệ quốc tế hiện đại, chủ động đổi mới chính sách đối
ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, hội nhập với khu vực
và thế giới. Quá trình cải cách, mở cửa và
hiện đại hoá của Trung Quốc đã đem lại cho họ một tầm vóc kinh tế, chính trị,
quân sự đủ lớn đến mức không một chủ thể quan hệ quốc tế nào ở châu Á - Thái
Bình Dương có thể bỏ qua vai trò của quốc gia này trong tính toán chiến lược
của mình. Trong gần 30 năm qua, Trung Quốc luôn duy trì tốc độ phát triển
kinh tế cao nhất thế giới, với tổng GDP đạt khoảng 2420 tỷ USD, đứng thứ 4 thế
giới chỉ sau Mỹ, Nhật Bản, Đức. Về ngoại thương, Trung Quốc đã trở thành cường
quốc thương mại đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản) với kim ngạch xuất
nhập khẩu đạt gần 1600 tỷ USD. Dự trữ ngoại
tệ vượt lên dẫn đầu thế giới với hơn 1,3 nghìn tỷ USD. Bình quân thu nhập đạt
trên 1800 USD/người/năm. Với số dân khổng lồ 1,3 tỷ người, những thành tựu nêu
trên là rất đáng khâm phục. Trung quốc còn đạt được sự phát triển nhanh chóng
của khoa học và công nghệ. Điển hình là việc Trung Quốc cách đây không lâu
(9/2008) vừa thực hiện thành công việc phóng tàu "Thần Châu 7", đưa
người vào vũ trụ lần thứ ba, trở thành cường quốc chinh phục vũ trụ thứ 3 sau
Nga và Mỹ.
Việt Nam sau 20 năm đổi mới, GDP
tăng 3,5 lần, thu nhập bình quân trên đầu người tăng hơn 3 lần. Về đối ngoại,
từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã bình thường hóa, phát triển quan hệ đa
phương, đa dạng với tất cả các nước theo tinh thần “Chủ động và tích cực hội
nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác.
Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia
tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”(1).
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 174 nước, quan hệ thương mại với
trên 200 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của tất cả các tổ
chức, định chế quốc tế lớn, được bầu làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đối với Lào, tốc độ tăng GDP trong 5 năm
qua là 6,2%/năm, thuộc mức khá trong khu vực. Thành
tựu đổi mới chẳng những giúp Lào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế
- xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, mà còn tạo điều
kiện nâng cao vị thế của Lào ở khu vực và trên trường quốc tế.
Bất chấp chính sách bao
vây cấm vận của Mỹ và sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, cách
mạng Cuba vẫn kiên cường đứng vững, đồng thời đạt nhiều thành tựu khích lệ
trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế,
giáo dục, thể thao, du lịch, trở thành tấm gương và nguồn động viên, cổ vũ to
lớn đối với các ĐCS và phong trào cánh tả quốc tế nói chung và ở khu vực Mỹ
Latinh nói riêng. Nhiều năm qua kinh tế Cuba tăng trưởng khá, riêng năm 2005 mức
tăng GDP đạt tới 11,8%. Quan hệ quốc tế của Cuba không ngừng được mở rộng,
trong đó đáng chú ý nhất là sự phát triển quan hệ đoàn kết với các nước Mỹ La
tinh do cánh tả cầm quyền. Đánh giá
tình hình kinh tế của 5 nước XHCN, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng: tỷ trọng
GDP của các nước này từ đầu thập niên 90 đến nay đã tăng hơn 2 lần, từ mức 1,7%
lên 4,1% và có chiều hướng tiếp tục tăng lên.
Mặt khác, các ĐCS cầm quyền đã chủ
động tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại
trong xây dựng CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và những kinh nghiệm của chính bản thân
mình, tích cực tìm tòi về lý luận, về thực tiễn mô hình xây dựng CNXH ở nước
mình. Các đảng này nỗ lực tìm tòi, khai phá con đường đi lên CNXH phù hợp với
điều kiện cụ thể ở mỗi nước và những biến đổi của thế giới đương đại. Trong quá
trình tìm tòi, khám phá mô hình phát triển ở các nước XHCN có nét mang tính đột
phá cả về lý luận và thực tiễn. Điều này được thể hiện nổi bật nhất trong việc
sử dụng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế -
xã hội và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Trung Quốc xác định mô
hình kinh tế thị trường XHCN, ở Việt Nam - nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN, ở Lào - nền sản xuất hàng hóa đi lên CNXH. CHDCND Triều Tiên từ năm 2002
cũng bắt đầu cải cách theo hướng kinh tế thị trường, lựa chọn bước đột phá vào
lĩnh vực giá, tiền và phân phối. Năm 2003, nước này thông qua kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm (2003-2008), chủ trương khoán trong nông nghiệp,
xoá bỏ bao cấp, sửa đổi luật đầu tư để thu hút vốn nước ngoài, phát triển một
số khu công nghiệp và đặc khu kinh tế...
Nhiều ĐCS và công nhân trên thế giới
đánh giá cao sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc và
Việt Nam. Cương lĩnh của ĐCS Nhật Bản thông qua tại Đại hội XXIII (2004) khẳng
định: Quá trình tìm tòi tiến lên CNXH thông qua kinh tế thị trường của Việt Nam
và Trung Quốc đang trở thành một hướng đi quan trọng của thế giới trong thế kỷ
XXI; tiến lên CNXH thông qua kinh tế thị trường là hướng đi có tính quy luật
của CNXH. Hội thảo quốc tế "Triển vọng của CNXH" của 39 ĐCS và
công nhân được tổ chức tại Praha (Séc) năm 2005 cũng đánh giá cao sự phát triển
nền kinh tế thị trường XHCN và việc gắn những ưu việt của chính quyền nhân dân
với những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật, với sự tham gia tích cực
vào thị trường quốc tế của Trung Quốc và Việt Nam, coi đây là sự bổ sung độc
đáo về lý luận của CNXH.
Những thành tựu cải cách, đổi mới
của các nước XHCN là một thực tế sinh động chứng minh cho sức sống và khả năng
tự đổi mới để đi lên của CNXH. Các ĐCS và công nhân quốc tế coi đây là nguồn cổ
vũ lớn lao, giúp họ củng cố niềm tin vào lý tưởng XHCN. Sự tìm tòi, khai phá
con đường đi lên CNXH của các ĐCS cầm quyền trở thành một đóng góp quan trọng,
có giá trị cả về lý luận và thực tiễn cho việc phát triển CNXH, chủ nghĩa Mác -
Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá
trình phục hồi của PTCSQT, góp phần thiết thực vào việc tìm kiếm những phương
thức hoạt động hiệu quả của phong trào trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với những thành tựu đạt được
của các ĐCS cầm quyền, PTCS ở các khu vực khác trên thế giới cũng có bước củng
cố quan trọng. Tại khu vực Liên Xô cũ và Đông Âu, vốn là nơi phong trào
chịu tổn thất nặng nề nhất sau sự biến chính trị cuối thập niên 80 - đầu 90,
các ĐCS và công nhân đã nhanh chóng hồi phục, đổi mới hoạt động, củng cố cơ sở
xã hội, lấy lại uy tín trong xã hội. Tại các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng
địa phương, nhiều đảng giành thắng lợi lớn, trở thành lực lượng đối lập mạnh
như ĐCS Liên bang Nga, ĐCS Séc và Môrava, một số đảng ở vùng Trung Á, thậm chí
có Đảng liên tiếp giành được quyền đứng ra thành lập chính phủ như ĐCS Mônđôva
sau thắng lợi tại các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống gần đây.
Là một đảng lớn nhất ở khu vực Liên
Xô cũ và Đông Âu, ĐCS Liên bang Nga (KPRF) hiện có tổ chức đảng tại tất cả các
chủ thể của nước Nga. Tại cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Quốc hội) năm 1995 và
1999, KPRF là đảng giành được nhiều phiếu nhất, chiếm tới 1/3 tổng số ghế.
Trong cuộc bầu cử Đuma gần đây nhất (2004), tuy Đảng bị giảm sút số ghế giành
được, nhưng vẫn là một trong những chính đảng thu hút được sự ủng hộ lớn nhất
của nhân dân (12,3%). Tuy nhiên, do những mâu thuẫn bất đồng nội bộ và sự can thiệp
chống phá của các lực lượng thù địch, đến Đại hội X (7/2004) KPRF đứng trước
khó khăn vô cùng to lớn, đội ngũ bị phân hoá sâu sắc. Đảng bị phân liệt do một
bộ phận tách ra tuyên bố thành lập ĐCS vì tương lai của nước Nga. Tình hình này
đã khiến cho lực lượng cộng sản và cánh tả Nga bị suy yếu khá nghiêm trọng. Từ
Đại hội XI (bất thường) năm 2006 đến nay, KPRF luôn hướng trọng tâm công tác
vào việc đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục những vấn đề đang đặt ra, củng
cố Đảng về tư tưởng và tổ chức.
Cũng cần thấy rằng bên cạnh những
bước củng cố và phát triển nhất định, các ĐCS và công nhân ở khu vực Liên Xô cũ
và Đông Âu vẫn còn đứng trước không ít khó khăn, hạn chế. Đường lối, cương lĩnh
của nhiều đảng đổi mới còn chậm, chưa chuyển kịp so với yêu cầu của thời kỳ
mới. Cơ sở xã hội của một số đảng bị thu hẹp mạnh. Tổ chức cơ sở đảng chỉ có ở
địa bàn cư trú, trong khi tại các khu vực sản xuất lại chưa được xác lập. Vấn
đề đoàn kết, hợp tác, phối hợp hoạt động giữa các đảng còn nhiều bất cập, thậm
chí tình trạng bất đồng, tranh giành ảnh hưởng với nhau đã làm giảm sức mạnh
chung của các lực lượng cộng sản và cánh tả.
Tại khu vực các nước tư bản phát
triển, càng về những năm gần đây càng có những dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nội bộ, lại thường xuyên bị các thế lực thù
địch công kích gay gắt, nhưng nhiều ĐCS và công nhân tại khu vực này vẫn kiên
trì chủ nghĩa Mác-Lênin, điều chỉnh chiến lược, sách lược đấu tranh chống chủ
nghĩa tư bản, bảo vệ lợi ích của các tầng lớp lao động. Đi đầu theo hướng nêu
trên phải kể đến những cố gắng của các ĐCS Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, ĐCS
Tái lập Italia, Đảng Tiến bộ của nhân dân lao động Síp, ĐCS Nhật Bản... Trong
hoạt động của các đảng này, về đối nội, điều chỉnh quan trọng nhất mà họ thực
hiện là tập trung chống chính sách kinh tế-xã hội theo chủ nghĩa tự do mới,
chống đại tư bản độc quyền, vạch trần các thủ đoạn bóc lột tinh vi của CNTB
trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và toàn cầu hoá. Nhằm
tập hợp lực lượng xã hội rộng rãi, các ĐCS và công nhân ở các nước TBPT chú
trọng mục tiêu đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Nhờ
vậy, ảnh hưởng và uy tín của nhiều đảng mấy năm gần đây có xu hướng được củng
cố, nâng cao. Trên lĩnh vực đối ngoại, hiện nay tuyệt đại đa số các đảng ở đây
đều nhấn mạnh ưu tiên cho cuộc đấu tranh chống cường quyền đế quốc trong sinh
hoạt quốc tế. Họ phản đối nền ngoại giao "dân chủ, nhân quyền" mà Mỹ
và phương Tây sử dụng nhằm áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của các
quốc gia có chủ quyền. Trước việc NATO mở rộng sang phía Đông, Mỹ phát động
chiến tranh chống Irắc, thông qua chiến lược mới “đánh đòn phủ đầu”, thực hiện
chính sách cường quyền..., các ĐCS và công nhân Tây Âu như ĐCS Hy Lạp, Đảng
Tiến bộ của nhân dân lao động Síp, các ĐCS ở Italia, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha đã
lên tiếng phản đối gay gắt.
Các ĐCS và công nhân ở các nước TBPT
rất quan tâm sự phát triển của quá trình toàn cầu hoá (TCH) và tác động của nó,
đồng thời cũng bày tỏ quan điểm khá rõ ràng. Điều này được thể hiện trong các
cương lĩnh, tuyên bố chính trị, chương trình hành động cũng như văn kiện đại
hội gần đây của nhiều đảng. Thừa nhận TCH là xu thế khách quan, song về cơ bản,
các đảng như ĐCS Pháp, Đức, Anh, Hy Lạp, Đảng Tiến bộ của nhân dân lao động
Síp... đều nhấn mạnh tính chất tư bản chủ nghĩa, tác động bất lợi của tiến
trình TCH đang diễn ra trên thực tế hiện nay đối với người lao động, đặc biệt ở
các nước nghèo, chậm phát triển. Do đó, các đảng này đều xác định phải tích cực
tham gia và tìm kiếm một chỗ đứng xứng đáng trong phong trào quốc tế chống mặt
trái tiêu cực của TCH đang diễn ra sôi động hiện nay.
Tại Nhật Bản, Đảng cộng sản là lực
lượng đối lập mạnh thứ hai sau Đảng Xã hội - dân chủ. Đảng vạch ra đường lối
chiến lược thực tế hơn, chú trọng kết hợp 3 nhiệm vụ: điều chỉnh chính sách để
mở rộng mặt trận, liên minh với tất cả các lực lượng chống đại tư bản độc quyền
phản động; kiên trì chủ nghĩa cộng sản khoa học và tăng cường đấu tranh vì dân
sinh, dân chủ. Đại hội XIII (2004) thông qua Cương lĩnh sửa đổi với sự bổ sung
nội dung mới rất quan trọng, trong đó xác định các bước đi của Đảng nhằm đạt
được mục tiêu chiến lược "vì một xã hội tương lai - xã hội XHCN/xã hội
CSCN ". Cương lĩnh sửa đổi nhấn mạnh, sau khi đã hoàn thành về cơ bản
"những chuyển đổi dân chủ", bước tiếp theo sẽ là "vượt qua chủ
nghĩa tư bản", tiến hành những cải cách XHCN để đi lên CNXH/CNCS. Theo
quan điểm của ĐCS Nhật Bản, thì tiến lên CNXH từ một nước TBCN phát triển là
một con đường hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. ĐCS Nhật
Bản sẽ là người khai phá, mở ra con đường phát triển mới này trong thế kỷ XXI.
Nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp cải tạo XHCN ở Nhật Bản sẽ là tiến hành xã hội
hoá các tư liệu sản xuất. Đây được coi là quá trình chuyển quyền kiểm soát,
quản lý những tư liệu sản xuất cơ bản cho toàn xã hội.
Tại khu vực các nước đang phát
triển Á, Phi và Mỹ Latinh, PTCS tuy phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc
khủng hoảng của CNXH, nhưng tuyệt đại đa số các ĐCS vẫn trụ lại, cố gắng tìm
kiếm hình thức hoạt động thích hợp. Một số đảng hoạt động tích cực, có cơ sở xã
hội và ảnh hưởng khá mạnh trong xã hội như các ĐCS ở Ấn Độ, ĐCS Xiry, Ixraen,
Nam Phi, ĐCS El Xanvađo, Guyana, Bôlivia, Uruguay... Trong đó, đáng chú ý là
thắng lợi trong bầu cử của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, ĐCS macxit-lêninit
Thống nhất Nêpan, Đảng Lao động Braxin, đưa các đảng này lên vị trí nắm quyền
từ nhiều năm nay.
Một nét mới đáng chú ý trong PTCSQT
thời gian gần đây là phong trào đã nỗ lực tìm kiếm cơ chế phối hợp hoạt động
chung, tập hợp lực lượng, tăng cường đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp
hành động, góp phần nâng cao sức mạnh của phong trào. Quan hệ giữa các ĐCS
và công nhân (ĐCS-CN) trên thế giới từng bước được khôi phục và củng cố lại
đồng thời với bước phục hồi của PTCSQT. Các mối quan hệ này, về cơ bản, được
chỉ đạo theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong bối cảnh
lịch sử mới. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất trong quan hệ giữa các ĐCS-CN
hiện nay là nguyên tắc độc lập, tự chủ, bình đẳng, không can thiệp vào công
việc nội bộ của nhau, đoàn kết hợp tác vì lợi ích chung. Hình thức quan hệ giữa
các ĐCS-CN hiện nay phát triển mạnh nhất vẫn là hình thức quan hệ song phương.
Từ chỗ trao đổi thông tin, tài liệu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, gần đây giữa
các đảng đã xác lập quan hệ trao đổi về mặt lý luận. Nhiều đảng đã hình thành
cơ chế trao đổi lý luận thường kỳ như giữa ĐCS Việt Nam với ĐCS Trung Quốc, ĐCS
Cuba, Đảng Nhân dân cách mạng Lào; giữa các ĐCS trong EU, SNG và ở khu vực Ban
Căng... ĐCS Nhật Bản cũng đã thiết lập được cơ chế hợp tác trao đổi lý luận với
ĐCS Trung Quốc và một loạt ĐCS-CN châu Âu.
Bên cạnh quan hệ song phương, các
quan hệ đa phương cũng được thúc đẩy khá mạnh. Theo hướng này, hàng loạt hội
nghị của các ĐCS-CN ở từng khu vực, từng châu lục và giữa các châu lục được tổ
chức. Các cuộc hội thảo, trao đổi lý luận và thực tiễn được nhiều đảng quan
tâm.
Ở khu vực châu Âu, các ĐCS-CN ở Tây
Bắc Âu, Ban Căng, Đông Âu liên tiếp tổ chức các cuộc gặp gỡ, bày tỏ quan điểm
về nhiều vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới. Đáng chú ý nhất là việc ĐCS
Hy Lạp từ năm 1998 đến nay đã đăng cai tổ chức cuộc gặp giữa các ĐCS-CN tại thủ
đô Aten gọi là "Cuộc gặp quốc tế các ĐCS-CN quốc tế". Diễn đàn
cuộc gặp quốc tế Aten đã trở thành hoạt động thường niên của các ĐCS-CN toàn
thế giới. Gặp mặt quốc tế Aten đã thu hút ngày
càng đông đảo đại biểu các ĐCS-CN từ khắp mọi khu vực, châu lục của thế giới. Diễn đàn
Aten trở thành phương thức tập hợp lực lượng với nhiều nét mới phù hợp, có hiệu
quả thiết thực của PTCSQT hiện nay. Các ĐCS-CN tham dự diễn đàn gặp mặt đều
đánh giá cao phương thức hoạt động chung này do đều có cơ hội bình đẳng để bày
tỏ quan điểm, chính kiến một cách dân chủ, không có sự áp đặt trong mọi hoạt
động của diễn đàn.
Nhận rõ tính đa dạng trong
lập trường, quan điểm và điều kiện hoạt động khác nhau giữa các ĐCS-CN, diễn
đàn Aten luôn tìm kiếm và thể hiện tính sáng tạo, linh hoạt đối với việc xử lý
những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa các ĐCS-CN nhằm thúc đẩy tình đoàn
kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đảng tham gia diễn đàn. Do đó, từ việc lựa
chọn hình thức, nội dung phối hợp hoạt động đến việc xác định mức độ, khuôn khổ
lập trường quan điểm chung cũng như cách thức công bố kết quả của từng kỳ gặp
mặt đều được tính toán một cách thận trọng. Nét mới đáng chú ý của Diễn đàn
Aten là trên thực tế đã diễn ra không theo một khuôn mẫu cứng nhắc, sự tham dự
của các đảng là hoàn toàn tự nguyện. Hình thức hoạt động trong các kỳ gặp mặt
ngày càng trở lên đa dạng, gồm: hội nghị, hội thảo, gặp gỡ theo khu vực và song
phương, mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng… Nội dung hoạt động cũng ngày
càng được mở rộng, bám sát yêu cầu đang đặt ra đối với PTCSQT và thực tiễn vận
động của thế giới đương đại. Những vấn đề chính được tập trung thảo luận, trao
đổi cũng rất phong phú như: giá trị khoa học và thực tiễn của học thuyết Mác -
Lênin trong giai đoạn hiện nay; nguyên nhân sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông
Âu và tác động của sự biến này; chiến lược, sách lược xây dựng liên minh của
GCCN; toàn cầu hoá, khu vực hoá và tác động của các xu thế này đối với các lực
lượng cộng sản, công nhân thế giới; về phương án thay thế đối với hình thái
toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa; về những sự kiện quốc tế lớn, về hoạt động khủng
bố và cuộc chiến chống khủng bố; chiến tranh của Mỹ ở Apganistan, Irắc và thái
độ của các ĐCS-CN trên thế giới, v.v... Hình thức và nội dung hoạt động của các
cuộc gặp Aten không chỉ cho thấy tính phù hợp của phương thức tập hợp lực lượng
mới giữa các ĐCS-CN, mà còn chứng tỏ các đảng này mặc dù đứng trước vô vàn khó
khăn thử thách lớn nhưng vẫn tỉnh táo, nhạy cảm về chính trị, quan tâm và nắm
bắt trúng nhiều vấn đề bức xúc đang phải đối mặt.
Gặp mặt Aten đã tận dụng kịp thời thành tựu
của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại để tăng cường hoạt động chung giữa
các ĐCS-CN thế giới. ĐCS Hy Lạp đã sớm lập ra Website http://www.solidnet.org
để liên hệ một cách nhanh chóng với tất cả các đảng khác. Những đảng không có
điều kiện cử đoàn đại biểu đến dự, nhờ có trang Website, vẫn có thể giữ được
liên hệ với diễn đàn, vẫn có thể gửi tài liệu, văn bản đến diễn đàn một cách
nhanh chóng và tiết kiệm nhất. Gặp mặt Aten đã trở thành một hình thức hoạt
động quốc tế rất sáng tạo của các ĐCS-CN, các lực lượng cánh tả tiến bộ trên
thế giới gần một thập kỷ qua.
Tại khu vực Mỹ Latinh, các ĐCS-CN và
cánh tả từ đầu thập niên 90 đến nay đã có sáng kiến định kỳ hàng năm tổ chức
gặp gỡ trong khuôn khổ Diễn đàn Sao Paulô (Brazin) nhằm đánh giá sự vận
động, phát triển của PTCS, cánh tả quốc tế nói chung và ở khu vực nói riêng, từ
đó tìm kiếm các biện pháp phối hợp hành động chung. Diễn đàn Sao Paulô sau gần
20 năm hoạt động đã thu hút sự tham gia của hơn 140 ĐCS-CN và cánh tả của gần
50 nước trên thế giới, góp phần năng động hoá hoạt động của cánh tả Mỹ Latinh,
thúc đẩy trào lưu cánh tả tại đây có bước phát triển mới. Tuy mức độ hoạt động
còn chưa đồng đều ở từng nước, nhưng các ĐCS-CN Mỹ Latinh đã thể hiện ngày càng
rõ nét vai trò hạt nhân trong phong trào đấu tranh của quần chúng lao động,
bước đầu tập hợp được xung quanh mình những lực lượng tiến bộ, chứng minh cho
sự bắt đầu hồi phục và có bước phát triển mới của PTCS và cánhh tả ở đây. Chỉ trong thời
gian ngắn, tại Mỹ Latinh đã có 10 chính phủ cánh tả tiến bộ cầm quyền (Vênêzuêla, Chilê, Braxin, Áchentina, Panama, Urugoay,
Bôlivia, Nicaragoa, Êcuađo, Goatêmala),
chiếm gần 1/3 số nước trên lục địa châu Mỹ.
Một số đảng cánh tả giữ vị trí đối lập mạnh như ở En Xanvađo, Mêhicô, Pêru,
Côlômbia.... Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng
đối với việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng cánh tả và cách mạng tiến bộ
trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh PTCSQT tuy đã từng bước hồi phục nhưng
chưa thực sự vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc từ cuối thập niên 80 thế kỷ
XX.
Tính linh hoạt và cơ chế mở
trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện của Diễn đàn tạo điều kiện cho các chính đảng,
phong trào và lực lượng chính trị theo nhiều khuynh hướng đa dạng: từ các đảng
cộng sản cầm quyền hoặc chưa cầm quyền, các đảng dân chủ - xã hội đến các tổ
chức, phong trào dân tộc cấp tiến đều có cơ hội tham gia, bày tỏ quan điểm,
chính kiến một cách dân chủ trước những chủ đề được lựa chọn trong mỗi kỳ hội
nghị. Đây là một nét mới trong cơ chế phối hợp hoạt động và tập hợp lực lượng
của các ĐCN-CN với cánh tả, phù hợp với sự thay đổi tương quan lực lượng ở khu
vực và trên thế giới từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX trở lại đây. Do đó, tham gia
Diễn đàn lúc cao nhất như Hội nghị lần thứ XI (Goatêmala-2002) có tới 142
ĐCS-CN và cánh tả từ 46 nước Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu
Đại Dương và Trung Đông. Sự ra đời và hoạt động của Diễn đàn đưa Mỹ Latinh thực
sự trở thành một điểm sáng hội tụ những nỗ lực trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền
độc lập dân tộc và lựa chọn con đường phát triển, chống nghèo đói bất công,
chống áp đặt nô dịch và cường quyền đế quốc. Diễn đàn là một biểu tượng sinh
động về tình đoàn kết, sự sẻ chia mối quan tâm giữa các lực lượng cộng sản,
cánh tả trước những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với PTCS, cánh tả trong giai
đoạn hiện nay.
Diễn đàn Sao Paulô qua các
kỳ hội nghị đã quan tâm đến hàng loạt vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội Mỹ Latinh và thế giới, song
vấn đề nổi bật nhất và xuyên suốt hoạt động của Diễn đàn là sự phê phán gay gắt
đối với việc áp đặt mô hình CNTD mới, chỉ rõ tính không tương thích và những
hậu quả nặng nề của nó đối với các nước khu vực, đồng thời nỗ lực tìm giải pháp
thay thế. Trên cơ sở phân tích thực tế tình hình khu vực Mỹ Latinh, càng về
những hội nghị gần đây, từ quan điểm lý luận đến việc xác định phương hướng
hoạt động và tìm tòi mô hình phát triển cho các nước khu vực, Diễn đàn ngày
càng tiến gần đến lập trường có tính chất XHCN. Điều này được thể hiện nổi
bật khi Diễn đàn khẳng định: giải pháp thay thế CNTD mới phải gắn với thực hiện
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, từng bước quá độ lên CNXH. Diễn đàn
từng xác định 10 phương hướng hoạt động của cánh tả khu vực là: bảo vệ cuộc
sống con người; thực hiện tự do, công bằng trong bầu cử; nhà nước thực sự chăm
lo đời sống cho quần chúng nhân dân lao động; bảo vệ sự phát triển của toàn
hành tinh; bình đẳng giới; có chương trình phát triển cho các cộng đồng cư dân
bản địa (đặc biệt là người da đỏ); có kế hoạch phát triển cân đối kinh tế xã
hội của mỗi nước; thực hiện khu vực hoá và toàn cầu hoá; bảo vệ quyền lợi của các
nhóm dân di cư, bảo vệ môi trường. Những phương hướng này rõ ràng chứa đựng
những quan điểm phát triển con người phù hợp với mục tiêu của CNXH.
Tóm lại, sau một thời gian khủng hoảng, thoái trào sâu sắc, hiện nay PTCSQT đã có
bước phục hồi nhất định, tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách lớn.
Không ít đảng của phong trào vẫn tỏ ra lúng túng, chưa thu hút được đông đảo
các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là lực lượng trẻ. Bên cạnh đó, vấn đề đoàn
kết nội bộ vẫn ẩn chứa nhiều phức tạp; đồng thời các ĐCS-CN lại luôn bị các thế
lực thù địch chống phá quyết liệt. Mặc dù vậy, với những chuyển động tích cực như
đã nêu trên đây, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng PTCSQT sẽ dần lấy lại vị
thế của một lực lượng cách mạng thời đại. Khát vọng hoà bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội nhất định sẽ thôi thúc giai cấp công nhân và nhân dân
lao động hướng theo con đường đi lên CNXH. Đó vừa là mục tiêu phấn đấu chung
của PTCSQT, vừa là xu thế phát triển hợp quy luật lịch sử. Trong những năm tới,
phong trào sẽ tiếp tục vận động thông qua những bước đi, hình thức, cơ chế
phong phú, linh hoạt từ hoàn thiện mô hình CNXH, con đường đấu tranh cách mạng,
chiến lược và sách lược... đến tập hợp lực lượng, liên minh giai cấp, phối hợp
hành động để tiến tới mục tiêu chiến lược của mình. Phong trào đã và vẫn tiếp
tục đóng vai trò là một lực lượng đi tiên phong trên hành trình giải phóng và
phát triển của nhân dân tiến bộ trên thế giới./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét