CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

CẢNH GIÁC TRƯỚC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Kết quả hình ảnh cho mạng xã há»™iNgày nay, mạng xã hội Facebook ở nước ta đã và đang phát triển rất nhanh, lan truyền đa dạng và ngày càng mở rộng, thu hút nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ; và đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nó cũng được ví như “liều thuốc độc” ẩn chứa nhiều vấn đề độc hại và hiểm họa khó lường. Tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong thời đại cách mạng số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao vừa khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Tác hại của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gây ra hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hệ lụy của những mã độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị phá hoại, văn hóa dân tộc bị mất bản sắc, an toàn xã hội bị đe dọa, thì sẽ tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin. Điển hình trong năm 2018 nổi bật nên vụ việc lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc  Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng bởi dư luận hết sức quan tâm. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng tập trung đông người để phản đối; một số đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích động gây rối, đặc biệt ở Bình Thuận, tình hình rất nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội một vấn đề “bức xúc”, gây trăn trở liên quan đến một số đối tượng thường xuyên đưa lên mạng những thông tin xấu độc, xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo gây bất an dư luận, ảnh hưởng uy tín của Đảng và Nhà nước. Điển hình như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ( facebook “ Mẹ Nấm ’’)  ; Trần Thị Nga ( facabook “ Tran Thi Nga”) đã trực tiếp lập các tài khoản blog, Facebook cá nhân và trang You Tube, làm ra, tàng trữ, sử dụng trang mạng xã hội đăng tải video clip có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, truyền bá những tư tưởng phản động, gieo rắc sự nghi ngờ, gây hoang mang trong nhân dân... nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. 
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn chặn nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển đa dạng, và nhanh chóng của công nghệ. Rất nhiều tổ chức, cá nhân trăn trở với thực trạng này và mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, giới khoa học khẩn trương nghiên cứu, có những giải pháp hữu hiệu, nhằm kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng thông tin độc hại, phản cảm trên mạng xã hội hiện nay, góp phần định hướng thông tin cho người dùng mạng.
Để đạt mục tiêu nêu trên, rõ ràng công tác quản lý mạng xã hội của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Nhiều quốc gia cũng gặp thực trạng tương tự, và đã áp dụng các quy định của pháp luật để hạn chế và kiểm soát các công ty nước ngoài lấy thông tin cá nhân của người dân, thậm chí ban hành những điều luật nghiêm minh nhằm xử lý các tổ chức, cá nhân đưa thông tin xấu độc gây ra sự phân biệt đối xử, thù địch.Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.Giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên Internet và mạng xã hội; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc. Tổ chức trao đổi và làm rõ về thông tin xấu độc để mọi người nâng cao nhận thức, nhận diện được thông tin xấu, độc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.
Phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội.
Điều 5, Nghị định 72 quy định cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hai là, tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch móc nối, lôi kéo. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng xã hội một cách khoa học và đúng đắn.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần sâu sát, nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là khi những luồng quan điểm thù địch, chống đối “mới” xuất hiện, những biểu hiện lệch chuẩn trong nhận thức chính trị; đồng thời thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng xấu, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời. Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên, quần chúng nơi mình quản lý trên mạng xã hội. Yêu cầu cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý lên tiếng khi tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo...) bị hack hoặc bị giả mạo, để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, vu khống, hoặc bị lợi dụng phát tán thông tin xấu, độc cho người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.
Ba là, quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng và hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Xây dựng các quy định buộc các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, các thông tin đăng tải. Phối hợp với lãnh đạo các mạng xã hội trên thế giới xử lý, gỡ bỏ những thông tin có nội dung xấu, độc. Đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam, phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu, độc khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.
Nhà nước sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, tham khảo Bộ quy tắc ứng xử của EU đối với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tế của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động độc quyền của các mạng nước ngoài. Có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Quản lý chặt chẽ báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Cơ quan quản lý phải thường xuyên theo dõi, bám sát mạng xã hội để phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc. Phát huy vai trò của nhà báo trong đấu tranh ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Nhà báo phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội trước các luồng thông tin đa chiều trên mạng xã hội.
Bốn là, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.     
Mỗi người tham gia mạng xã hội phải có kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu độc, cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.
Đối với những bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng cách lựa chọn ẩn bài viết, báo Spam để quản trị mạng xử lý.
Như vậy, tham gia mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu của đời sống trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng để đưa những thông tin xấu, độc, nhằm tạo ra những suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ, dao động, mất niềm tin trong nhân dân để chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan chức năng mà là việc làm cần thiết đối với mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội.


0 nhận xét: