CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

PHÊ PHÁN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN PHỦ NHẬN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

 

  Trong lịch sử phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù là nước lớn hay bé, giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển, đều xây dựng cho mình những chủ thuyết, bao gồm hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng mang tính lý thuyết nhằm định hướng cho sự phát triển của quốc gia.Ở nước ta, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

  Những tư tưởng cơ bản của nhà nước pháp quyền đã được V.I.Lênin đề cập và vận dụng vào thực tiễn xây dựng và củng cố nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới-nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, bao gồm các vấn đề cơ bản như: Xây dựng một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, dân chủ; nhà nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ và pháp luật được thực hiện nghiêm minh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nhà nước là công cụ của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

  Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là quá trình đúc kết, kế thừa có chọn lọc và vận dụng sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại và quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật kiểu mới vào thực tiễn xây dựng nhà nước kiểu mới ở nước ta. Thực tiễn 35 năm đổi mới đã khẳng định yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế khách quan, tất yếu mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế.

  Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nguyên tắc hiến định mang tính giai cấp sâu sắc, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện ở các khía cạnh: Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành hiến pháp, pháp luật, chính sách cụ thể và lãnh đạo tổ chức nhân dân thực thi Hiến pháp, pháp luật, chính sách; Đảng lãnh đạo Nhà nước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng công tác kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước làm tham mưu cho Đảng; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước và bảo vệ Nhà nước.

  Thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đưa ra nhiều quan điểm, luận điệu hòng bác bỏ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội, họ rêu rao rằng, ở Việt Nam không có “pháp trị”, chỉ có “đảng trị”. Đây là thủ đoạn nham hiểm của các lực lượng chống đối Đảng Cộng sản lãnh đạo các nước XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số đối tượng vẫn cổ xúy cho thủ đoạn trên mà nếu không đấu tranh thì có thể để lại những hậu quả khôn lường đối với đất nước, đối với xã hội, đối với người dân khi vai trò lãnh đạo của Đảng bị đặt ngoài Hiến pháp.

  Mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xây dựng phù hợp với các quan điểm của Đảng về việc vận dụng một cách sáng tạo và có chọn lọc những kinh nghiệm khác nhau của các dân tộc về cách thức tổ chức nhà nước pháp quyền, ưu tiên những giá trị có tính phổ biến, kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống, những đặc điểm phát triển và lịch sử phát triển đất nước. Do đó, mọi yêu cầu, đòi hỏi hay kiến nghị Việt Nam phải thực hiện mô hình “tam quyền phân lập” là không phù hợp, thậm chí tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta.

  Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta không cần phải áp dụng cơ chế tam quyền phân lập, bởi các nhánh quyền lực của Nhà nước ta không phải nhánh quyền lực của phe nhóm này chống lại phe nhóm kia, vốn là gốc rễ của cơ chế tam quyền phân lập.

Sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong những năm qua là minh chứng sinh động về Nhà nước ta đã, đang thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; do nhân dân xây dựng; hoạt động vì mục tiêu ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thực tế này sẽ phủ nhận những ý đồ đen tối muốn thay đổi thể chế nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bằng mô hình nhà nước “tam quyền phân lập” mà thực chất là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, tách rời Nhà nước với chính trị rồi làm suy yếu, tan rã Nhà nước./.

Tia chớp

 

0 nhận xét: