“Tư duy
nhiệm kỳ” là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo tại một cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước
các cấp, còn đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn theo nhiệm kỳ (thông thường là 5
năm). Trong thời gian giữ chức người cán bộ, lãnh đạo có “tư duy
nhiệm kỳ” sẽ tìm cách sử dụng quyền lực, lợi dụng uy tín, ảnh hưởng, chức vụ
của mình trong nhiệm kỳ công tác tạo ra những ảnh hưởng hoặc ra những quyết
định nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Mặt khác người có “tư duy nhiệm kỳ” còn thể
hiện hành vi có yếu tố mục đích “vụ lợi cá nhân”, nghĩa là nhằm phục vụ lợi ích
cho bản thân người cán bộ lãnh đạo, cho gia đình và thậm chí là cho “phe”,
“cánh” của người đó. Dấu hiệu để nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” tồn tại trong tất
cả các giai đoạn của nhiệm kỳ, nhưng thường sẽ thể hiện rõ hơn ở thời điểm đầu
hoặc gần kết thúc nhiệm kỳ. Trong đó, công tác cán bộ và việc hoạch định đường
lối, chính sách kinh tế - xã hội là những lĩnh vực chủ yếu mà “tư duy nhiệm kỳ”
thường hướng đến.
“Tư
duy nhiệm kỳ” được Đảng ta xác định, cảnh báo là một trong những biểu hiện của
suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ ta theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây
dựng, chỉnh đốn Đảng (trong những “dạng” suy thoái trên, “tư duy nhiệm kỳ” được
xếp vào biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị). “Tư duy nhiệm kỳ” tạo ra
cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây thất thoát tài sản công, lãng
phí thời gian, con người và chất xám; là nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, kéo
bè kết phái, gây mất đoàn kết nội bộ, tăng vị kỷ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân,
tăng vụ lợi dẫn đến tham nhũng, lãng phí… Việc đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ”
là vấn đề mang tính chiến lược, cấp bách nhưng không phải dễ dàng. Để thực hiện
mục tiêu xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, thời gian tới, các ngành, các cấp cần quan
tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, nhận thức đúng bản chất,
tính nguy hiểm, dấu hiệu nhận diện, hậu quả… của “tư duy nhiệm kỳ”; quán triệt
đầy đủ những quan điểm chỉ đạo trong đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ”; tuyên
truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ và
thấy rõ ý thức trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh đẩy lùi thực
trạng trên; tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong
việc lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao
hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; hoàn thiện các cơ sở pháp lý để
phòng ngừa, đấu tranh với cán bộ, lãnh đạo có “tư duy nhiệm kỳ”, trước hết tập
trung hoàn thiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là
Bộ luật Hình sự, Luật Quy hoạch, Luật Cán bộ, công chức…
Hai là, kịp thời khắc phục những sơ
hở, thiếu sót mà các cá nhân trên lợi dụng trong thời gian qua để quy hoạch, bổ
nhiệm, đề bạt, luân chuyển… người sai quy định nhằm trục lợi cá nhân, kéo bè
kết phái; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong công tác quản lý hành
chính; thu hồi các quyết định bổ nhiệm hoặc triển khai các dự án trái pháp
luật, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, cán bộ, lãnh đạo
có “tư duy nhiệm kỳ”; chỉ đạo thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát,
kê khai tài sản theo quy định; đảm bảo tính dân chủ, minh bạch trong khâu tuyển
sinh, tuyển công chức, trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm… cán bộ;
hoàn thiện cơ chế để bảo vệ sự an toàn và khuyến khích cán bộ, đảng viên tố
cáo, vạch trần sai phạm, biểu hiện có liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ” tại đơn
vị mình công tác. Công tác đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ” cần đặt dưới sự
chỉ đạo thống nhất, trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp,
huy động sự ủng hộ và tham gia của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân
dân.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực
hiện tốt các chủ trương, quy định, biện pháp cụ thể về công tác chính trị, tư
tưởng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng
chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ”; Chỉ thị số
05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Quy định số
47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “những điều đảng viên
không được làm” và Quy định số 101 - QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về
“trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt
các cấp” để nâng cao nhận thức, khả năng “đề kháng” chống “tư duy nhiệm kỳ”,
kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”,
“bệnh thành tích”, tư tưởng chủ quan, duy ý chí và cục bộ địa phương; xây dựng
đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh; xây dựng môi trường làm việc lành
mạnh, dân chủ, đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị.
Bốn là, người đứng đầu cấp ủy, chính
quyền, đoàn thể, ban, ngành, đơn vị chuyên môn phải thật sự tiên phong, gương
mẫu trong công việc cũng như trong cuộc sống; phải đặt lợi ích xã hội lên trên
lợi ích cá nhân; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực
hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và trọng dụng nhân tài. Trên cơ sở
đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, cán bộ lãnh đạo cần
vận dụng một cách sáng tạo, khoa học, đổi mới phương pháp làm việc, đồng thời
phát huy dân chủ và khối đoàn kết tại đơn vị do mình phụ trách.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét