Sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng
lợi của cách mạng, đó là nhận định không chỉ của Đảng, nhân dân ta mà còn là
của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch chống Việt Nam
thường xuyên tuyên truyền luận điệu: “Ở quốc gia mà chỉ có một đảng duy nhất
lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc đi vào ngõ
cụt”. Trên mạng internet vẫn xuất hiện nhiều thông tin thù địch, trái chiều,
các blog có nội dung xấu rêu rao tư tưởng dân chủ tư sản, bôi son, tô hồng về
những thành tựu của các nước tư sản theo chế độ đa nguyên, đa đảng, hay trực tiếp
nói xấu, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Bản chất của hoạt động này là nhằm
phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, kích động đa
nguyên, đa đảng, từng bước chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, quá
trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan. Sự ra đời đó
không chỉ là ý chí đơn thuần của các nhà hoạt động cách mạng mà là sản phẩm của
lịch sử. Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là
đội tiên phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc
Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước
ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân
dân Việt Nam thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống trong “tự do,
hạnh phúc”.
Đa nguyên chính trị và đa đảng
đối lập là nét đặc trưng của thể chế chính trị tư sản trên thế giới hiện nay.
Nói chung, ở các nước tư bản, về hình thức thì các đảng chính trị đều “tự do”,
“bình đẳng” trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng
cầm quyền, nhưng trong thực tế thì chỉ có các đảng lớn, có thế lực, được sự hậu
thuẫn của các tập đoàn tư bản độc quyền mới có khả năng chiến thắng. Thể chế đa
đảng này cũng dễ khuyến khích các lực lượng đối lập vì lợi ích cục bộ chỉ biết
phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải - trái, đúng - sai.
Hệ quả là làm xuất hiện một nền chính trị vì quyền lực và một công nghệ đấu đá
chính trị trên những lợi ích chính đáng của đông đảo cử tri. Ở nước ta, thực
hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật
hình thành, phát triển, là tôn chỉ mục đích hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là người đại diện chân chính
duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh
bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Đó là các quyền sử dụng tư
liệu sản xuất, có công ăn việc làm, quyền học tập và hưởng thụ văn hóa, quyền
tham gia quản lý nhà nước, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và cơ quan nhà
nước, quyền đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, bày tỏ ý
kiến về các hiện tượng tích cực và tiêu cực trong đời sống xã hội... Vì vậy, có
ai đó nói “một quốc gia chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì
không có dân chủ” là không có căn cứ, thậm chí là phản khoa học, vì thực tế ở
Việt Nam hiện nay đang chứng minh điều ngược lại.
Để làm tốt công tác đấu tranh
phản bác các quan điểm sai, trái thù địch chống phá Đảng trong thời gian tới
cần tập trung:
Một là, phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Hoạt động phối hợp đấu tranh phản bác những luận điệu sai
trái phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở tuyệt đối trung thành và
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan
điểm của Đảng vào thực tiễn để xem xét, phân tích, đánh giá, vạch trần bản chất
phản động, phản khoa học của những quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, thường xuyên tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các
lực lượng chức năng trong đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù
địch. Coi trọng đề xuất xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, quy chế phối hợp
giữa công an với quân đội và các bộ, ban, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính
quyền, đoàn thể các địa phương để phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn chống phá
của các thế lực thù địch.
Ba là, thường xuyên coi trọng tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt,
chuyên sâu trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Chú
trọng đấu tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các blog, trang
web tổ chức đấu tranh có hiệu quả.
Bốn
là, coi trọng phối hợp chặt chẽ trong công
tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phục vụ hoàn thiện cơ chế lãnh đạo
của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước,
không để các thế lực thù địch có kẽ hở tấn công; đồng thời, kiên quyết đấu
tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, đập tan những quan điểm, luận điệu sai
trái, thù địch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề; về phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Việc nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ
đoạn của các thế lực thù địch phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng
bộ, chủ động, kịp thời, chính xác, nhất là những vấn đề nhạy cảm trên các lĩnh
vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, vấn đề biển Đông, âm mưu, thủ đoạn
chống phá Đảng... cần có sự thông tin, trao đổi phối hợp thường xuyên của nhiều
lực lượng chức năng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét