CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VẤN ĐỀ GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP

 


Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2020) các thế lực thù địch lại ráo riết chống phá cách mạng nước ta trên lĩnh vực nền tảng tư tưởng, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Ph.Ăngghen là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX. Người cùng với C.Mác đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng. Trong đó ông có cống hiến trong học thuyết giá trị thặng dư, trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đặc biệt, ông đã có phát hiện vĩ đại giá trị của học thuyết Mác; Ông đã bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng.

Kể từ hơn một trăm năm qua, khi mà lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của C.Mác ra đời, sau đó đã được Lênin bảo vệ, phát triển. Học thuyết này luôn bị kẻ thù chống phá quyết liệt với mức độ ngày càng tinh vi hơn, nhất là trong hai thập kỷ gần đây. Là những hiểu biết của mình về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhằm góp phần làm sáng tỏ và bảo vệ và phát triển Học thuyết Mác, đồng thời đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về vấn đề này.

Từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp, các nhà tư tưởng đã cố gắng tìm hiểu và giải thích hiện tượng giai cấp và đấu tranh giai cấp nhưng do hạn chế về nhận thức và sự ràng buộc bởi địa vị, lợi ích giai cấp nên thường mắc sai lầm, xa vào duy tâm hoặc siêu hình, điển hình là một số quan điểm của các học giả theo các quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, các học giả tư sản, Những quan điểm nói trên về giai cấp và đấu tranh giai cấp đều là sai lầm, phản động bởi họ dựa vào những dấu hiệu không cơ bản, đặc trưng, không bản chất để lý giải giai cấp, thực chất biện hộ cho sự tồn tại của giai cấp thống trị, ru ngủ cuộc đấu tranh của giai cấp bị bóc lột, tránh đụng chạm đến những vấn đề cơ bản, đặc biệt là vấn đề quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất.

Chỉ với nhãn quan khoa học, cách mạng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp được luận giải một cách có khoa học, biện chứng, xem xét vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp theo phương pháp tư duy biện chứng, theo đúng các quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử. C.Mác-Ăngghen chưa đưa ra định nghĩa giai cấp hoàn chỉnh, nhưng đã nêu ra phương pháp tiếp cận khoa học và đặc trưng cơ bản để giải thích vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đó là luận điểm về giải thích các hiện tượng xã hội nói chung và quan hệ giai cấp nói riêng đều phải xuất phát từ nền tảng vật chất xã hội, kinh tế, sản xuất vật chất.

­ Sau này Lênin bảo vệ, phát triển học thuyết của Mác, ông đã dùng ba luận điểm trên, coi đó là hòn đá thử vàng để phân biệt những người Mácxít chân chính và những người Mácxít giả hiệu. Kế thừa và phát triển quan điểm của Mác trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm đối lập. Trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại” Lênin đã đưa ra được một định nghĩa mang tính kinh điển về giai cấp mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Còn đối với vấn đề đấu tranh giai cấp, Quan điểm của Mác, Ăngghen chưa đưa ra định nghĩa về đấu tranh giai cấp, nhưng đã đưa ra những tư tưởng cơ bản về đấu tranh giai cấp, đó là cuộc đấu tranh của những người bị áp bức bóc lột, chống bọn áp bức bóc lột (xuất phát từ địa vị đối lập nhau và đấu tranh với nhau để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình). Đồng thời khẳng định chính các học giả tư sản đã tìm ra vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các Ông chỉ đưa ra những cái mới và đi sâu phân tích cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những tư tưởng của Mác, Ăngghen về đấu tranh chống những tư tưởng đối lập. Lênin đã đưa ra khái niệm đấu tranh giai cấp một cách đúng đắn.

Bằng sự phân tích, lý giải tài tình một hình thái kinh tế xã hội đương thời, đó là hình thái tư bản chủ nghĩa trong lịch sử được mô tả kỹ trong bộ Tư bản - C.Mác, Ăngghen đã làm sáng tỏ học thuyết giá trị thặng dư và quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử đã làm cho lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp trở thành khoa học. Sứ mệnh của học thuyết Mác về giai cấp và đấu tranh giai cấp và bằng cách này hay cách khác đã góp phần vào việc lật đổ xã hội tư bản chủ nghĩa, là tham gia vào việc giải phóng giai cấp vô sản hiện đại, cũng tức là thủ tiêu giai cấp tư sản với tư cách cuối cùng là tinh vi xảo quyệt nhất cho sự áp bức giai cấp.

Từ thực tiễn cách mạng ở các nước trên toàn thế giới, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp ngày càng thể hiện rõ tính đúng đắn ưu việt của nó và được thực tiễn kiểm nghiệm một cách chân thực, bằng thành tựu chung của nhân loại và thành tựu của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Và chúng ta cũng đã biết sau sự kiện 1991, Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, bọn phản động đã ra sức công kích, nói xấu và tìm mọi cách xóa bỏ học thuyết Mác - Lênin và cả những ảnh hưởng của nó tới các nước tư bản, trong đó có học thuyết lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hơn thế nữa hiện nay chủ nghĩa tư bản đã lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại và có những bước điều chỉnh thích nghi cho phù hợp, nhưng sự điều chỉnh đó không làm cho mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp trong xã hội mất đi và cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản cũng đang dần bị tiêu vong vì mất đi tính tất yếu kinh tế… Đó chỉ là một sự ngụy biện, phản động, ngược lại sự điều chỉnh đó không làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mất đi, mà ngược lại nó càng làm thêm phần gay gắt và tất yếu sẽ nổ ra cuộc đấu tranh giai cấp.

Trong thời đại hiện nay nền kinh tế tri thức, thông tin tri thức, các sản phẩm về công nghệ thông tin nói chung, các phần mềm nói riêng đều là những sản phẩm có giá trị, có hàm lượng cao về chất xám, song dù có lý giải gì đi nữa thì một sự thật hiển nhiên vẫn là nó vẫn thuộc về tư liệu sản xuất và do chính bàn tay, khối óc con người sáng tạo ra, và những tư liệu sản xuất này bản thân nhà tư bản không làm ra được.

Hiện nay giai cấp tư sản ở các nước tư bản văn minh không quan tâm đến việc chiếm đoạt giá trị thặng dư nữa mà là phương cách chiếm đoạt giá trị thặng dư hiện nay đã mang tính chất toàn cầu. Như vậy trong thời kỳ nền kinh tế tri thức của chủ nghĩa tư bản đương đại không làm thay đổi nguồn gốc giá trị thặng dư, càng không thể làm thay đổi hoặc che giấu được bản chất bóc lột của giai cấp tư sản với giai cấp vô sản như các luận điệu tuyên truyền của chúng.

Để thấy rõ sự chống phá của các thế lực thù địch chúng ta cần có cái nhìn rõ hơn về cái mà những nhà lý luận gia tư sản đã vin vào để chống phá học thuyết Mác về giai cấp và đấu tranh giai cấp đó là quan điểm mà họ cho rằng “Quá trình hữu sản hóa giai cấp lao động làm thuê” trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Sự điều chỉnh lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là sự ra đời của hàng loạt các công ty cổ phần, đây là kết quả đấu tranh tất yếu của nhân dân lao động chống lại sự độc quyền của tư sản trong tổ chức quản lý nền sản xuất xã hội, với cách này họ đã nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư, tạo nên sự tập trung tư bản cần thiết, nhằm giành ưu thế cạnh tranh của các nhà tư sản, theo đó người lao động có thể dùng tiền nhàn rỗi của mình để mua cổ phiếu, trái phiếu hay tiền gửi để tăng thêm thu nhập dưới dạng lợi tức tương ứng. Qua đó tạo sự gắn kết người lao động với xí nghiệp, tạo động lực mới cho sản xuất phát triển, đồng thời đây cũng chính là nhằm mục đích xoa dịu mâu thuẫn tạo ảo tưởng về sự thay đổi hình thức sở hữu tư liệu sản xuất từ chế độ tư hữu chuyển sang chế độ công hữu, thực chất đây chỉ là sự đánh lừa vì số cổ phiếu bán ra chỉ khoảng 5% so với tổng tài sản, tư liệu sản xuất mà giai cấp tư sản nắm giữ, nên không thể gọi đây là sự thay đổi về quan hệ sản xuất, càng không phải là sự thay đổi về bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản.

Ở Việt Nam chúng ta việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan của lịch sử, chúng ta bỏ qua giai đoạn phát triển của hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc con đường chúng ta đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường lâu dài, khó khăn, gian khổ đầy những thử thách, chông gai. Chúng ta nhớ cuộc chính biến 1991, giai cấp tư sản đã tung hô rằng đây là sự cáo chung của lịch sử và chúng đẩy mạnh chiến lược chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó chúng coi Việt Nam là một trọng điểm để chống phá, vì vậy vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp ở nước ta càng gặp thêm những khó khăn thách thức lớn, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng có sự định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước để nhằm hạn chế, khắc phục những trào lưu tư tưởng lợi dụng chính sách mở cửa về kinh tế của nước ta để tập trung chống phá về chính trị, thông qua viện trợ, đầu tư kinh tế để lái nền kinh tế nước ta đi theo con đường tư bản, từ đó dần dần thao túng, khống chế ta về chính trị. Song song với nó chúng ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc một mất, một còn; là cuộc đấu tranh giữa hai con đường và xác định rõ vấn đề ai thắng ai trong cuộc đấu tranh này.

Và như đã đề cập ở phần trên, xu hướng toàn cầu hóa là một xu thế khách quan trong sự phát triển của thế giới đương đại và bất cứ một quốc gia, dân tộc nào cũng phải chấp nhận, tuy nhiên đây chỉ là sự chấp nhận tạm thời, chấp nhận cùng với đấu tranh, chúng ta kế thừa những thành tựu của nhân loại, đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập các quan điểm tư tưởng văn hóa xấu độc phản động, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan. Những mâu thuẫn trong thời kỳ hội nhập và để giải quyết được nó sẽ tạo động lực phát triển, đó là các mâu thuẫn cơ bản của giai cấp và đấu tranh giai cấp, đó là sự đấu tranh giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản; giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển và như vậy để giành thắng lợi chỉ có có nhờ học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp dưới ánh sáng của học thuyết lý luận chủ nghĩa Mác và ánh sáng cách mạng Tháng Mười Nga chúng ta mới có thể giành thắng lợi.

Tóm lại, cả về lý luận và thực tiễn đều chứng minh rõ rằng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời đại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, chừng nào mà xã hội còn có sự phân hóa giai cấp thì đấu tranh giai cấp vẫn còn là một sự tất yếu. Những luận điệu phản động tuyên truyền nhằm hạ thấp học thuyết Mác về lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp chỉ là sự biện hộ ngu xuẩn, là sự mù quáng, hời hợt của các học giả tư sản và khi chủ nghĩa cộng sản chưa thành hiện thực trên toàn thế giới thì vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại, đó cũng là vấn đề các Đảng Cộng sản cần quán triệt và thực hiện tốt trên con đường đi lên xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi quốc gia dân tộc. Và đây cũng là cơ sở lý luận để chúng ta đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ hiện nay.

=Tia chớp=

2 nhận xét:

Tia Chớp nói...

bài viết rất hay

Bút chiến nói...

Cần phân biệt giai cấp và đấu tranh giai cấp