Khi đề cập
đến tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đã có nhiều công trình khoa học bàn đến tư tưởng
Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân, xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng bản
chất giai cấp công nhân của quân đội ta, trong đó có luận điểm Quân đội “Phải lấy chính trị làm gốc”. Nghiên cứu, làm
sáng tỏ luận điểm “Phải lấy chính trị làm gốc” của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất
quan trọng đối với việc vận dụng tư tưởng của Người trong sự nghiệp xây dựng
quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong
quá trình xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta hiện nay.
Bản chất giai cấp
luôn là vấn đề cốt tử của mọi quân đội; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu là vấn đề
mấu chốt trong bản chất giai cấp của quân đội. Hay nói cách khác, “chính trị” của
quân đội là biểu hiện tập trung của bản chất giai cấp, ở mục tiêu, lý tưởng chiến
đấu của quân đội. Thông qua nội dung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho phép hiểu
“chính trị” của quân đội đó, bản chất giai cấp của quân đội đó; hiểu được quân đội
đó là của ai, chiến đấu cho ai, vì ai. Quân đội ta là quân đội kiểu mới của
giai cấp công nhân Việt Nam, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo,
giáo dục và rèn luyện; mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính
dân tộc sâu sắc; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu là vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội. Với nội dung “chính trị” như vậy, cho nên, theo Hồ Chí Minh, trong xây
dựng quân đội, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”. Tư tưởng đó của Người cần
được phân tích để hiểu một cách sâu sắc hơn.
Thứ nhất, nhiệm vụ
quan trọng hàng đầu của quân đội cách mạng với tư cách là một tổ chức quân sự,
một lực lượng vũ trang của Đảng là “tuyên truyền”[1], “chính trị trọng hơn quân
sự”.
Điều đó có nghĩa
là quân đội không thuần tuý thực hiện nhiệm vụ quân sự, mà là một tổ chức vũ
trang thực hiện những nhiệm vụ theo yêu cầu của cách mạng Việt
Thứ hai, tổ chức
và hoạt động của quân đội phải dựa trên cơ sở và nguyên tắc xây dựng quân đội
kiểu mới của giai cấp công nhân, đường lối chính trị của Đảng Cộng sản.
Thực chất đây là
nói về bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta. Hoạt
động quân sự của quân đội là phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng: độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh
phúc cho nhân dân; phục vụ thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cái “gốc” chính trị của Quân
đội nhân dân Việt
Trong bất cứ
trường hợp nào cũng không được xa rời cái “gốc” chính trị đó. Sự trung thành
tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc là nội dung cốt lõi của cái
“gốc” chính trị cần xây dựng, giáo dục cho quân đội trong tất cả các giai đoạn
xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Vì vậy, Người chỉ rõ phải chọn lọc trong
hàng ngũ “số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất”[2] để đảm bảo cho sự
chắc chắn của cái “gốc” chính trị ngay từ buổi đầu quân đội ta mới được thành
lập.
Muốn bảo đảm cho
cái “gốc” chính trị được vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng các mặt khác,
theo Người, nhất thiết phải quan tâm và thực hiện tốt công tác chính trị trong
quá trình xây dựng quân đội. Buông lỏng, xem nhẹ công tác chính trị thực chất
là buông lỏng, xem nhẹ việc chăm sóc cho cái “gốc” chính trị của quân đội,
buông lỏng việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội.
Theo tư tưởng Hồ
Chí Minh, không thể có thứ quân đội phi chính trị, quân đội phi giai cấp; chính
trị là cơ sở cho các mặt xây dựng khác của quân đội và là nhân tố quyết định sự
trưởng thành, chiến thắng của quân đội; thoát ly chính trị của Đảng, không đặt
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì quân đội không còn là quân đội của giai
cấp công nhân, không còn là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
nữa. Người nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô
dụng lại có hại”[3].
Vì vậy, vấn đề
quyết định trong quá trình xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội là
phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta
có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng
ta lãnh đạo và giáo dục”[4]. Bản chất giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc,
cũng như “sức mạnh vô địch” của quân đội ta đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo, giáo
dục của Đảng Cộng sản Việt
Thứ ba, chính trị
của quân đội bao giờ cũng phải “biểu hiện ra trong lúc đánh giặc”[5] và đánh
thắng.
Trong khi khẳng
định chính trị là “gốc”, “chính trị trọng hơn quân sự”, Hồ Chí Minh cũng nhấn
mạnh chính trị phải “biểu hiện ra trong lúc đánh giặc”. Đây là sự thể hiện rất
sinh động tính chính trị thực tiễn mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và
quân sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng bản
chất giai cấp công nhân của quân đội. Ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng chính trị
“biểu hiện ra trong lúc đánh giặc” là ở chỗ: quân đội ta thực hiện nhiệm vụ
“đánh giặc” là thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, nhiệm vụ cách mạng của
Đảng; và “đánh giặc” phải trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng, đặt dưới sự
lãnh đạo cuả Đảng, vì mục tiêu chính trị của Đảng. Thoát ly những điều đó thì
việc chiến đấu và “đánh giặc” của quân đội sẽ mất phương hướng, và hành động quân
sự của quân đội không chỉ “vô dụng” mà “lại có hại”. Vì vậy, trong quá trình
giáo dục, huấn luyện quân đội ta, Người luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ phải ra
sức học tập tốt, huấn luyện tốt và chỉ rõ: “Học chính cương, chính sách rồi thì
phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”[6].
Trải qua 76 năm
xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn xứng đáng là công cụ bạo
lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng, Tổ
quốc và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Tổ quốc
và nhân dân giao phó. Có được thành công đó, trong suốt thời gian qua, quân đội
ta luôn lấy chính trị làm “gốc”; lấy việc xây dựng về chính trị làm cơ sở để
xây dựng các mặt khác; lấy việc củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân
là nội dung cốt lõi trong xây dựng quân đội. Vì vậy, mặc dù thành phần xuất
thân của đa số quân nhân, từ buổi đầu thành lập cho đến bây giờ, chủ yếu là
nông dân, nhưng quân đội ta luôn luôn giữ vững và không ngừng phát triển bản
chất giai cấp công nhân của mình, thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân.
Ngày nay, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện âm mưu “phi chính trị hoá”
quân đội, hòng phá huỷ bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta. Thực chất
là chúng muốn làm cho quân đội ta không còn cái “gốc” chính trị của Đảng, xoá
bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, không còn là quân đội kiểu mới của
giai cấp công nhân, quân đội của dân, do dân, vì dân nữa; làm cho quân đội ta
mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu.
Vì vậy, chúng ta
càng phải quán triệt một cách sâu sắc luận điểm “phải lấy chính trị làm gốc”
của Hồ Chí Minh trong quá trình tăng cường bản chất giai cấp công nhân, cũng
như trong quá trình xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu của sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, những vấn đề: tăng cường sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; nâng cao
giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt sâu
sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ
của cách mạng, nhiệm vụ của quân đội trong điều kiện mới, đặc biệt là Chiến
lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... là những nội dung cốt lõi nhằm bảo
đảm chắc chắc cho cái “gốc” chính trị của quân đội. Do đó, phải xây dựng cái
“gốc” chính trị của quân đội thực sự vững chắc để quân đội không chỉ luôn tuyệt
đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, mà còn có đủ sức mạnh để hoàn
thành xuất sắc phận sự trung thành của mình./.
NXT-H1
1 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 507.
2 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 507.
3 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 318.
4 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 350.
5 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 319.
6 Hồ Chí
Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 319.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét