CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

TÁC ĐỘNG CỦA TÌNH HÌNH QUỐC PHÒNG, AN NINH, ĐỐI NGOẠI ĐẾN PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Đó là quan điểm nhất quán, được Đảng ta khẳng định sâu sắc và rõ nét trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tình hình quốc phòng, an ninh, đối ngoại của nước ta hiện nay có những tác động tích cực đến đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nền quốc phòng toàn dân ở nước ta dựa trên truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, kế thừa và phát huy các giá trị của khoa học quân sự Việt Nam qua các thời kỳ, xây dựng nghệ thuật quân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Trong điều kiện sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghiệp, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng nhanh, hợp lý các thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một phương hướng đúng đắn, tạo cơ sở vững chắc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân cả về vật chất, tinh thần, vũ khí, trang bị phương tiện hiện đại, nhằm đối phó thắng lợi với các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra.

Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức xây dựng quân đội phù hợp trên nền tảng của tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, phù hợp với khả năng thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả hiện tại và tương lai. Thực hiện nhất quán, kiên định và kiên trì nguyên tắc lấy việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Phương hướng xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù trong mọi tình huống, kể cả trong điều kiện chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao; không chỉ giỏi trên mặt trận đấu tranh vũ trang mà còn giỏi trên mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong”[1].

Đất nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế vói phương châm: đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng nhằm tạo thế và lực mới cho nền quốc phòng toàn dân. Tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng theo ý định chiến lược thống nhất, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, góp phần tạo dựng thế trận toàn dân, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, cùng với sự tác động tích cực, tình hình quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước cũng đang có những tác động tiêu cực đến phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam hiện nay. Đã xuất hiện những nhận thức, quan điểm sai lệch: coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xem nhẹ các nhiệm vụ an ninh, quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; không kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, thiếu cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Việc phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong giữ gìn an ninh xã hội, trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên kết quả chưa cao. “Việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc.... Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”[2].

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo... Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện hơn. Tình hình nêu trên đòi hỏi phải quán triệt, thực hiện tốt các nội dung mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã kế thừa, phát triển về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

                                                                     N.T.K.T - H2



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb CTQG ST, H.2021, t. I, tr. 157-158.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb CTQG ST, H.2021, t. I, tr. 87 - 88.

0 nhận xét: