CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ ĐỂ LẠI SAU 60 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM

 

Cách đây hơn 60 năm, ngày 10/8/1961, Đế quốc Mỹ đã tiến hành vụ rải chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam trong đó chủ yếu là chất độc da cam/ dioxin. Ngày nay khi chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng triệu người bị mắc các bệnh hiểm nghèo, nhiều trẻ em sinh ra đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ 3 và thứ 4. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã sống trong nỗi đau không có được thiên chức làm mẹ, làm vợ khi người chồng có thời gian chiến đấu ở những khu vực bị rải chất độc hóa học. Đó là những nỗi đau vẫn còn sau chiến tranh, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn từ chối khắc phục hậu quả do mình gây ra.

QUÁ KHỨ KINH HOÀNG

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam để hủy diệt quân và dân ta, quân đội Mỹ đã không chỉ dùng các loại vũ khí tối tân mà còn dùng cả chất độc hóa học, Đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất hóa học đầu tiên dọc theo Quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô.

Suốt trong 10 năm (1961-1971), Đế quốc Mỹ đã tiến hành rải xuống nước ta hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, phần lớn là chất độc da cam, trong đó có khoảng 366 kg dioxin. Chất độc da cam là một loại thuốc diệt cỏ (thực ra có màu hồng nâu) sở dĩ được gọi là “màu da cam” vì có một vạch son màu da cam trên bình chứa sản phẩm này để nhận biết và phân biệt nó với những loại thuốc diệt cỏ khác được gọi là chất độc màu trắng, màu xanh lam, màu tía, màu hồng hoặc màu xanh lá cây. Cách đặt tên này có vẻ kín đáo, thậm chí thơ mộng đối với các sản phẩm cực kỳ độc hại, gợi nhớ đến những “bình đặc biệt” chứa chất napan đã từng được sử dụng ở đâu đó và vào thời điểm nào đó.

Về mặt hoá học, chất độc da cam là một hỗn hợp gồm các tỷ lệ tương đương là 2,4-D và 2,4,5-T, trong đó dioxin là một phụ gia trong sản xuất với liều lượng từ 3-4 mg/lít, ính chất lý-hoá của dioxin: Đây là một sản phẩm đặc biệt bền vững, chịu được nhiệt độ l.000°C, ít tan trong nước nhưng tan trong các chất mỡ và có thể tích tụ trong các mô và chất lỏng trong cơ thể sống của người hoặc động vật, đặc biệt trong sữa mẹ, do đó có nguy cơ truyền từ mẹ sang con.

Tính độc hại của dioxin: Chỉ với liều lượng cực nhỏ, dioxin đã có thể gây hại đối với cơ thể sống là người hoặc động vật. Qua các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chỉ với liều lượng một phần triệu gam dioxin trên một kilôgam của cơ thể có thể giết chết các loài gặm nhấm hoặc cá, chỉ với một phần tỳ gam dioxin có thể gây sảy thai, sinh non hoặc quái thai. Thí nghiệm trên động vật cho thấy, tiếp xúc lâu dài với dioxin có thể gây ung thư.

Liều lượng gây chết người chưa được xác định chính xác, mà được ước tính vào khoảng 0,1 mg/kilôgam trong trường hợp nhiễm độc trên diện rộng như thảm họa Seveso hoặc việc rải chất độc trực tiếp ở Việt Nam. Ngoài ra, những người bị nhiễm độc ít hơn nhưng trong thời gian dài có thể gặp các vấn để về sức khỏe, điểu này sẽ được đề cập ở phần sau. Nhiều công trình nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định dioxin gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm như: ung thư, thần kinh, u não, dị tật bẩm sinh, các bệnh do rối loạn chuyển hóa, các bệnh do rối loạn sinh sản ở nữ giới như thai chết lưu, đẻ non, sảy thai…

Bộ Y tế nước ta đã xác định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có tới 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng về sức khỏe do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong số đó, ít nhất có 150 ngàn trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và ít nhất có 1 triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam.

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ ĐỂ LẠI

Hành động của Mỹ sử dụng 80 triệu lít chất độc da cam/dioxin cũng như các chất phát quang khác là phá hủy các khu rừng nhiệt đới, nơi những người đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam trú ẩn cũng như làm trạm y tế và cơ sở quân sự có thể coi như cuộc chiến tranh hóa học, đã và đang tiếp tục gây những hậu quả tàn khốc cho tới ngày nay. Những người bị phơi nhiễm trực tiếp sẽ có những dấu hiệu nhiễm độc đặc trưng và sau đó là mắc ung thư. Chính phủ Mỹ vẫn từ chối nhận trách nhiệm hoặc thiện chí bồi thường, trong khi các tập đoàn sản xuất hóa chất tới nay cũng lập luận họ chỉ sản xuất theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Những thế hệ sinh sau phải hứng chịu nỗi kinh hoàng nhất, đó là thường bị dị tật hoặc những bệnh khác và hậu quả kéo dài cho tới tận thế hệ thứ tư hiện nay.

Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) Việt Nam chính thức được thành lập nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho những NNCĐDC, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 25-6-2004, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ngày 10-8 hằng năm là Ngày “Vì NNCĐDC Việt Nam”.

Với những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức, cộng đồng quốc tế, nhiều hoạt động điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường cũng như con người ở Việt Nam đã và đang được tiến hành.

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Hằng năm, Nhà nước ta đã dành khoản ngân sách hơn 10 ngàn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Đặc biệt, Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam và các cấp Hội trong cả nước đã vận động, huy động các nguồn lực để giúp đỡ các NNCĐDC và gia đình nạn nhân, bao gồm xây dựng các cơ sở bán trú, xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất...

Ngày 10/8 năm nay là ngày đánh dấu 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, 17 năm Ngày “Vì NNCĐDC Việt Nam” đã thực sự trở thành những ngày hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, chia sẻ, cảm thông, mong muốn và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với NNCĐDC, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng./.

Tia chớp

 

 

0 nhận xét: