Những ngày gần đây, truyền thông
quóc tế liên tục đưa tin về sự kiện lực lượng Taliban đánh chiếm Kabul, chính
quyền của Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani rời bỏ đất nước đã dấy lên hàng loạt
những ý kiến khác nhau. Phần lớn thường dân và các bộ tộc ở Afghanistan đã quá
chán nản với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Nhiều người thà rằng chấp
nhận Taliban nắm quyền, thì ít nhất họ cũng được sống trong hòa bình, dù có thể
chỉ là hòa bình nhất thời.
Nhiều ý kiến lạc quan nhận định,
Taliban nay đã trưởng thành hơn giai đoạn 1996 - 2001. Bản thân nhóm này cũng
tuyên bố sẽ xây dựng một chính phủ với nhiều thành phần và không trở thành mối
đe dọa với phương Tây. Phát ngôn viên Taliban cam đoan sẽ không trả thù những
người từng phục vụ quân đội và các chính quyền trước đây của Afghanistan, đồng
thời đảm bảo quyền được học tập và làm việc của phụ nữ. Tuy nhiên, điều đó ra
sao còn phải chờ diễn biến thực tế.
Một góc độ nào đó, sự ra đi của Mỹ
và sụp đổ của chính quyền Kabul được nhìn nhận là đã cho thấy sự lỗi thời và phản
tác dụng của chủ nghĩa can thiệp quốc tế, ít nhất là ở Afghanistan. Ngoại trừ một
chính phủ quân quản, Afghanistan một thế kỉ qua trải qua hầu hết các hệ thống
chính phủ, từ quân chủ, cộng hòa, chính trị thần quyền..., có hoặc không có sự
can dự từ bên ngoài, nhưng chưa chính quyền nào đủ mạnh để bảo vệ người
dân khỏi đói nghèo và chiến tranh.
Cho dù ở góc độ nào, cũng phải thấy
rằng không còn nghi ngờ về việc Taliban sẽ sớm lập Vương quốc Hồi giáo ở
Afghanistan như tuyên bố hôm 15/8. Không xe tăng hay thiết giáp, lực lượng
Taliban vào Kabul trên xe bán tải và xe máy, cùng những khẩu súng AK và ống
phóng lựu đạn thô sơ. Họ không mặc quân phục giống những đội quân chính quy và
hành xử ngẫu hứng, nên rất khó phân biệt ai là chỉ huy, ai là cấp dưới. Hình ảnh
này được nhiều hãng tin mô tả là sự đối lập, cũng là nỗi xấu hổ của quân đội
300.000 lính của Afghanistan, vốn được Mỹ chi hàng tỷ USD để huấn luyện và
trang bị “tận răng”.
Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra để
giải thích cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban. Cánh truyền thông phương Tây
cho rằng, chính quyền Kabul tham nhũng và thiếu năng lực, thiếu chiến lược, lại
thiếu nhuệ khí nên Mỹ không thể trông mong gì và quân đội Afghanistan gần như tự
tan rã. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Mỹ quyết định rút quân khỏi chiến
trường Afghanistan là quyết định đúng đắn của Oasington, rằng người Mỹ dù cố gắng
đến đâu cũng không thể chiến đấu bảo vệ Kabul khi chính chính quyền Kabul và
quân đội của họ không muốn chiến đấu.
Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ sống
trong giao tranh, bất ổn, dân tộc Afghanistan bao giờ có được cuộc sống bình
yên, liệu họ có thể tự quyết định vận mệnh và con đường phát triển của dân tộc
mình. Và liệu rằng, sự mâu thuẫn sâu sắc giữa các sắc tộc và thành phần xã hội ở
Afghanistan thì Taliban sẽ xây dựng một nhà nước kiểu gì. Đánh bại một chính
quyền phụ thuộc vào Mỹ là phần dễ dàng với Taliban, nhưng câu chuyện quản lý đất
nước sẽ mang đến một loạt thách thức hoàn toàn khác.
Không ai có thể phủ nhận rằng, Mỹ
và phương Tây - nòng cốt là Anh, Pháp, Đức - có tiềm lực, sức mạnh kinh tế,
chính trị, quân sự hàng đầu trên thế giới. Phải chăng vì thế mà họ đã tạo dựng
nên một liên minh cường quyền, sử dụng biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế,
các thủ đoạn chính trị, vô hiệu hóa, phớt lờ luật pháp quốc tế, tiến tới tiến
công quân sự,… để buộc các quốc gia trên thế giới phải xây dựng đất nước theo
mô hình, tiêu chuẩn dân chủ kiểu Mỹ và phương Tây! Đúng là như vậy.
Thực tế cho thấy, sự tiến công
quân sự, can thiệp xâm phạm độc lập, chủ quyền của các quốc gia trên thế giới của
Mỹ và phương Tây chẳng những không thiết lập được mô hình dân chủ “tiến bộ vì
con người”, mà còn tàn phá nghiêm trọng đất nước, con người ở các quốc gia đó,
làm cho tình hình nhân quyền trên thế giới bị xuống cấp nghiêm trọng.
Những gì chúng ta đã và đang chứng
kiến về cuộc chiến ở Afghanistan cho cái nhìn đa chiều về quyền tự quyết của
các dân tộc. Ở góc độ khách quan cho thấy, dù ở chiều cạnh nào thì một dân tộc
muốn phát triển thì trước hết phải tự lực, tự cường, tự quyết định việc lựa chọn
con đường phát triển phù hợp với thời đại; đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng
hộ của cộng đồng quốc tế. Chính quyền Taliban với những thành viên ít bảo thủ
hơn hiện nay đang cố gắng làm những gì có thể để có được sự công nhận tính hợp
hiến từ cộng đồng thế giới. Tương lai của dân tộc Afghanistan ra sao là câu hỏi
còn bỏ ngỏ một khi mà quyền tự quyết dân tộc của họ vẫn chưa được hiện thực
hoá./.
NTC-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét