Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc; trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự thời đại…
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021) là đợt sinh hoạt chính trị có
ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Quân đội ta và phong
trào cách mạng thế giới; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách
mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp
Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.
Đối với các thế hệ cán bộ,
giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ
Trường Sĩ quan Lục quân 1, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không
chỉ là người lãnh đạo, chỉ huy lỗi lạc, nhân tài quân sự thời đại Hồ Chí Minh
mà còn là người thầy giáo số một của Nhà trường. Lịch sử và thực tiễn công tác
đào tạo cán bộ đã mãi khắc ghi những cống hiến quan trọng của Đại tướng đối với
Nhà trường. Giờ đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm
và sự quan tâm của Đại tướng sẽ là định hướng chính trị quan trọng, là động lực
tinh thần to lớn để cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường
phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ - Bộ đội Lục quân, không ngừng xây dựng nhà
trường phát triển lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ngược dòng lịch sử, ngày
15 tháng 4 năm 1945, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và
Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trường Quân chính kháng Nhật (tiền thân của
Trường Sĩ quan Lục quân 1) - nhà trường quân sự cách mạng đầu tiên của Quân đội
ta được thành lập. Ngay từ những ngày đầu và trong suốt quá trình xây dựng,
phát triển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh của Quân đội ta luôn dành những
tình cảm sâu sắc, sự quan tâm đặc biệt đối với Nhà trường về mọi mặt.
Những ngày tháng đầy cam
go của cách mạng, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính
quyền trong cả nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng trường
và đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức thành lập và xây dựng
trường. Nhà trường ra đời trong điều kiện vô vàn khó khăn vì chưa có trường
sở, Ban Giám đốc, giáo viên, chương trình, tài liệu và phương tiện dạy học. Là
người có tri thức uyên bác, tầm nhìn xa, trông rộng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
đã chỉ đạo tổ chức xây dựng trường từ việc bảo đảm nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập
đến các nội dung huấn luyện, nhất là công tác chiêu sinh và lựa chọn đội ngũ
giáo viên cho nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện. Sau một thời gian tích cực làm
công tác chuẩn bị, ngày 25/6/1945, Nhà trường làm Lễ khai giảng Khóa 1. Đồng
chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Lâm thời Khu Giải phóng tới dự và nói chuyện
với học viên Nhà trường về chủ trương của Trung ương Đảng phát động cao trào
kháng Nhật cứu nước, trong đó công việc cần kíp là tổ chức lực lượng, phát triển
thêm bộ đội, du kích và các đội tự vệ cứu quốc... Tổng tư lệnh đã chỉ rõ việc mở
Trường Quân chính kháng Nhật là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm đào tạo cán bộ
quân sự, chính trị làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng... Sau lễ
khai giảng, học viên bước ngay vào học tập. Chương trình, nội dung và kế hoạch
giảng dạy được Ban Giám đốc xác định gồm cả quân sự và chính trị. Về quân sự, học
viên được học đội ngũ, sơ lược lý thuyết binh khí bắn súng trường, đâm lê; các
động tác chiến đấu cá nhân, tiểu đội, trung đội du kích chiến đấu. Cuốn sách
“Cách đánh du kích” do lãnh tụ Hồ Chí Minh biên soạn được dùng làm tài liệu
cơ bản để dạy về chiến thuật. Về chính trị, học viên được học tập về tình hình
thế giới, tình hình trong nước, chương trình và Điều lệ của Việt Minh, công tác
vũ trang tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, hoạt động bí mật,
tuyên truyền vận động binh lính địch... Cùng với các nội dung trên, Tổng tư lệnh
Võ Nguyên Giáp đã cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp biên soạn tài liệu
“Công tác của người chính trị chỉ đạo viên” để giúp Nhà trường giảng dạy
cho các khóa đào tạo cán bộ chính trị, quân sự.
Quán triệt sâu sắc chủ
trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và những
quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, huấn thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo,
chỉ huy Nhà trường thực hiện phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thực hiện
thông qua hoạt động thực tiễn huấn luyện, đào tạo. Vì vậy, trong thời kỳ đầu
thành lập, với 2 khóa học cấp tốc, Trường Quân chính kháng Nhật đã đào tạo được
hơn 100 cán bộ, bổ sung kịp thời cho các đơn vị, góp phần vào thắng lợi của cuộc
Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Là Tổng tư lệnh các Lực
lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ của
Nhà trường, coi đây là khâu then chốt, quan trọng trong xây dựng Quân đội. Do vậy,
Đại tướng đã nhiều lần về thăm, làm việc và trực tiếp chỉ đạo Nhà trường nâng
cao chất lượng huấn luyện theo chương trình mới, nhất là việc đẩy mạnh phương
châm, phương pháp huấn luyện, rèn luyện chính quy. Tổng tư lệnh đã trực tiếp
lên lớp một số bài quan trọng, truyền thụ cho cán bộ, học viên Nhà trường về đường
lối chính trị, quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trong một cuộc họp của Hội
đồng quân sự đầu năm 1948, có đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và đồng chí Tổng
chỉ huy Võ Nguyên Giáp đề nghị cần xác định lại chức năng của trường. Trường Võ
bị chỉ mới đào tạo cán bộ bộ binh, tác chiến chính quy là tác chiến hiệp đồng
binh chủng, Quân đội ta tiến lên chính quy phải xây dựng một số binh chủng cho
nên phải đào tạo cả cán bộ binh chủng. Khóa 11 - khóa chính quy dài hạn đầu
tiên đào tạo cán bộ bộ binh và một số binh chủng khác đã nỗ lực phấn đấu vượt
qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa học, tạo tiền đề,
cơ sở quan trọng để mở rộng phát triển quy mô đào tạo của Nhà trường với những
khóa học và hàng ngàn cán bộ các binh chủng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về đội
ngũ cán bộ cung cấp cho các đơn vị chủ lực; góp phần quan trọng làm nên chiến
thắng trong cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là
Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược.
Từ sau năm 1954, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Cùng với nhiệm vụ xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, tiến lên chính quy, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đầu tư xây dựng Trường Lục quân với quy mô lớn. Với trọng trách là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã chỉ đạo các cơ quan chiến lược của Bộ triển khai các chủ trương, kế hoạch xây dựng Trường Lục quân Việt Nam. Đại tướng đã nhiều lần trực tiếp làm việc và chỉ đạo Nhà trường khẩn trương hoàn thành chương trình bổ túc cán bộ đại đội, tiểu đoàn, đồng thời tích cực nghiên cứu xây dựng và đào tạo cán bộ quân sự theo hướng chính quy dài hạn có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên chiến trường. Đại tướng yêu cầu Nhà trường phải đi trước một bước về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; quá trình tổ chức đào tạo phải khoa học, chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đào tạo cán bộ, xây dựng Nhà trường, Đảng bộ thực sự vững mạnh. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đại tướng, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện yêu cầu “nhà trường gắn liền với chiến trường”, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã cử nhiều đoàn cán bộ, giáo viên đi thực tế với những cương vị khác nhau ở trên các mặt trận, tham gia tổng kết các chiến dịch, nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm của bộ đội ta ở các chiến trường miền Nam, xây dựng thành nội dung, chương trình đào tạo sát với yêu cầu tác chiến và cách đánh mới thiết thực, hiệu quả. Những kinh nghiệm rút ra từ chiến trường đã được cán bộ, giáo viên Nhà trường biên soạn thành tài liệu, tổ chức huấn luyện thực nghiệm, tổ chức tập huấn cho các đơn vị và trở thành tài liệu chính thức phục vụ cho công tác huấn luyện trong toàn quân.
Mặc dù trong điều kiện vô
vàn khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc
phòng nói chung, Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng; sự nỗ lực phấn
đấu của cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ đào tạo cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước.
Ngày 29/4/1970, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về làm việc và dự lễ kỷ
niệm 25 năm thành lập Nhà trường; nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên,
nhân viên, Đại tướng đánh giá: "Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam đóng
góp một phần quan trọng trong sự nghiệp cách mạng chung, xứng đáng là một trung
tâm đào tạo cán bộ cho lực lượng vũ trang, một nơi nghiên cứu và phát triển
khoa học quân sự của quân đội ta, một nơi tập trung và phát huy truyền thống
quyết chiến, quyết thắng của quân đội..."[1]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói chuyện với cán bộ, học viên, nhân viên Trường SQLQ1 ngày 29/4/1970
Sau này, khi không còn ở
cương vị Tổng tư lệnh, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm đến sự
nghiệp giáo dục - đào tạo của Nhà trường. Ngày 22 tháng 5 năm 1995, Nhà
trường vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và nói chuyện về tư tưởng
Hồ Chí Minh. Vui mừng trước sự phát triển trong công tác đào tạo cán bộ của nhà
trường, Đại tướng căn dặn cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường trong giai đoạn
mới của cách mạng phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối chính trị, quân sự của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định
với mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa
chọn; không ngừng học tập nâng cao tri thức toàn diện, nhất là tri thức khoa học
nghệ thuật quân sự, phát huy truyền thống nhà trường đầu tiên của quân đội ta,
hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Nhân dịp kỷ niệm 58 năm
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đoàn cán bộ của Nhà trường đến thăm
và chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng bày tỏ sự cảm động trước
những tình cảm quý mến của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ
Trường Sĩ quan Lục quân 1 và ân cần căn dặn: "Trường Sĩ quan Lục quân 1 là
nhà trường đầu tiên của Quân đội ta. Trong tình hình hiện nay, công tác giáo dục
- đào tạo cán bộ càng phải được chú trọng và nâng cao, đặc biệt là giáo dục
chính trị tư tưởng, xây dựng lập trường cách mạng phải đặt lên hàng đầu, để học
viên tốt nghiệp ra trường đủ sức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cơ sở và sẵn sàng chiến
đấu cao. Trong huấn luyện, Nhà trường phải coi trọng huấn luyện sát thực tế chiến
đấu và xây dựng đơn vị, nhất là huấn luyện phải tiếp cận với sự phát triển của
khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới. Sĩ quan Lục quân ra trường
phải biết sử dụng vi tính, có kiến thức khoa học công nghệ, khoa học quân sự, đủ
sức hoàn thành nhiệm vụ được giao”[2]. Đại tướng mong
muốn Nhà trường giữ vững danh hiệu truyền thống anh hùng và phát huy hơn nữa
truyền thống vẻ vang của mình trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo cán bộ trong
giai đoạn mới.
Năm 2005, Nhà trường kỷ
niệm 60 năm Ngày truyền thống. Lúc này do sức khỏe yếu, Đại tướng không thể về
thăm trường nhưng đã dành cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ
Nhà trường những lời huấn thị, chỉ đạo tâm huyết: “Mong rằng lãnh đạo, chỉ huy
Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn coi trọng giáo dục truyền thống “Trung với nước,
hiếu với dân” và bản chất Bộ đội Cụ Hồ đi đôi với nâng cao chất lượng huấn luyện,
nghiên cứu khoa học để đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội vừa có phẩm chất, vừa có
năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa”[3].
Các thế hệ cán bộ, giảng
viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường trong hơn 76 năm qua luôn trân
trọng, kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa là Tổng tư lệnh, Anh cả của lực
lượng vũ trang nhân dân, vừa là người thầy giáo gần gũi, mẫu mực. Sự quan tâm
chỉ đạo và những lời dạy bảo ân cần của Đại tướng đã in sâu trong ký ức của mỗi
cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường, là nguồn động
viên, cổ vũ mạnh mẽ toàn trường nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm
vụ mà Đảng và Quân đội giao cho./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét