CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

GIỮ DANH DỰ ĐỂ MÃI TỎA SÁNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

 

Có những đảng viên hôm nào hân hoan đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, huân chương lao động, bằng khen... về thành tích công tác. Có nhiều đảng viên từng trải qua thử thách vươn lên, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý quan trọng... Những tưởng “danh thơm còn mãi”. Nhưng rồi người bị kỷ luật mất hết chức vụ, người thì phải vào tù vì việc mình đã làm. Sự thay đổi ấy không khỏi khiến ta bàng hoàng, xót xa, tiếc nuối. Và mãi day dứt là sự trăn trở: Điều gì đã khiến những cán bộ, đảng viên này trượt dốc cả về danh dự và lý tưởng cách mạng?

Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, kết quả chống tham nhũng trong nhiệm kỳ XII của Đảng, thống kê sau 4 năm (2016-2019) cho thấy, cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp trong cả nước đã kiểm tra 220.560 tổ chức Đảng và 1.060.542 đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 1.063 tổ chức Đảng và 45.990 đảng viên bằng các hình thức khác nhau. Với tổng số 5,2 triệu đảng viên trong toàn Đảng hiện nay, các số liệu này cho thấy - số đảng viên được kiểm tra chiếm khoảng 1/5, còn số đảng viên phải xử lý kỷ luật chiếm gần 0,9% tổng số đảng viên. Đáng lưu ý là trong số này có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, nhiều người phải đi tù.

Nhìn từ góc độ công tác phòng, chống tham nhũng, dễ thấy hầu hết các bị cáo bị truy tố xét xử đều phạm những tội danh như: Tham nhũng, lợi dụng chức vụ, cố ý làm trái quy định... Nói cách khác, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ “tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Chức vụ, quyền hành đi liền với lợi ích vật chất. Điều này bao đời vẫn thế. Vấn đề là ứng xử thế nào trước những cám dỗ của chức quyền?

Trong cuốn sách “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bí danh Nguyễn Ái Quốc) đã đưa ra những yêu cầu đầu tiên đối với một đảng viên cộng sản, trong đó có những tư cách: “Cần kiệm… Vị công vong tư/Không hiếu danh, không kiêu ngạo/Nói thì phải làm/Giữ chủ nghĩa cho vững/Hy sinh/Ít lòng ham muốn về vật chất…”.

Đi theo lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 90 năm qua, đã có lớp lớp cán bộ đảng viên không sợ máu chảy đầu rơi, không nề tù đày đau đớn, chẳng ngại khó khăn gian khổ… vẫn kiên trung một lòng theo Đảng làm cách mạng để mang lại độc lập tự do cho dân tộc, để xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên chặng đường dài ấy, biết bao tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng tuyệt trần khi được đảm nhận trọng trách cao, nhiệm vụ to lớn - nhưng không hề gợn chút chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, của Nhà nước nhiều chục năm liền là những người như vậy.

Và ngược lại, đó là những cán bộ, đảng viên trong “một bộ phận không nhỏ” của Đảng đã bị chức quyền, tiền bạc dẫn lối để làm những việc đi ngược với lý tưởng của Đảng, đánh mất cả danh dự bản thân. Vì “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tộc hệ, thứ tư đồ đệ…” dẫn tới những việc làm gây bức xúc dư luận như: Tìm mọi cách để thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…

Chỉ cần nhìn vào các vụ việc bị xử lý trong những năm qua, có thể thấy - các hành vi sai trái liên quan tới quyền lực không chỉ riêng ở cấp xã, huyện, tỉnh, mà còn tới cả cấp Trung ương. Không chỉ cán bộ xã “nâng đỡ không trong sáng” người nhà, mà đã có bí thư, chủ tịch UBND tỉnh và cả bộ trưởng cũng lợi dụng chức trách để nâng đỡ con, cháu mình thăng tiến thần tốc.

Và hậu quả cũng không chỉ dành riêng cho người đã có hành vi sai trái. Nhiều vụ án liên quan tới tội danh tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái quy định… của những cán bộ, đảng viên có chức vụ cao thời gian qua cho thấy - luôn có nhiều cán bộ, đảng viên có chức quyền khác liên lụy theo. Không chỉ vậy, nhiều đảng viên bị chức quyền, tiền bạc dẫn lối còn dắt theo cả người thân, con cháu cùng vướng vào vòng lao lý.

Xử lý kỷ luật, truy tố nếu vi phạm pháp luật - là biện pháp cấp thiết, dù không ai muốn, song vẫn phải làm để cảnh tỉnh, răn đe, để đẩy lùi sự suy thoái lẩn khuất trong Đảng. Việc xử lý này không chỉ dừng lại với người đương nhiệm, mà theo Quy định 102-QĐ/TƯ (ngày 15/11/2017 của Đảng) và Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, thì cán bộ, công chức, đảng viên dù có nghỉ hưu, nghỉ việc vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật nếu có hành vi sai trái.

Bên cạnh biện pháp “ngọn” này, giải pháp “gốc” căn cơ nhất để ngăn chặn suy thoái, vẫn là đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với mỗi đảng viên. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức, mọi quy trình công tác, chính là hàng rào ngăn chặn hiệu quả nhất các hành vi sai trái. Đi đôi với đó là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chức trách của cán bộ, đảng viên.

Đảng viên thanh liêm, coi trọng danh dự - tổ chức Đảng mới thật sự thống nhất cao trên cơ sở cùng chung lý tưởng cách mạng. Khi ấy, Đảng mới thật sự trong sạch, thật sự có sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình mà nhân dân tin tưởng giao phó.

Thiếu tá Nguyễn Công Tuấn, Giảng viên, KQSC

0 nhận xét: