Trong cuộc
kháng chiến chống Pháp, từ cách đánh du kích, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội ta phát triển các hình thức tác
chiến chiến dịch, chiến lược, giành thắng lợi vẻ vang.
Tính đến cuối
tháng 9-1947, cuộc kháng chiến toàn quốc đã tiến hành được 9 tháng. Về cơ bản,
ta đã đạt được những mục tiêu chiến lược do Trung ương Đảng đặt ra. Nhằm diệt
và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt lực lượng chủ lực, phá tan căn cứ
địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt-Trung, loại trừ chi viện từ bên
ngoài vào, ngày 7-10-1947, quân Pháp mở cuộc tiến công chiến lược lên Việt Bắc,
với sự tham gia của 12.000 quân tinh nhuệ, gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu
đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi
đội không quân với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu chiến, ca nô,
tàu đổ bộ..
Quán triệt chủ
trương "phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của thực dân Pháp" của
Ban Thường vụ Trung ương Đảng, để đối phó hiệu quả với lực lượng tinh nhuệ, được
trang bị hỏa lực mạnh của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra luận điểm
"đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", sử dụng những đơn vị nhỏ, linh
hoạt để giáng trả cho địch những đòn đau.
Chiến dịch phản
công Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 là chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta, đánh
dấu mốc hình thành rõ nét về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và cũng đánh dấu sự
hình thành đầu tiên của nghệ thuật đánh trận then chốt chiến dịch. Nghệ thuật
chiến dịch đã hình thành cơ sở của một loại hình chiến dịch-chiến dịch phản
công, phối hợp với các lực lượng quân và dân, 3 thứ quân với tổ chức chỉ huy trực
tiếp trên các hướng của chiến trường dưới sự chỉ đạo của một cơ quan chỉ huy gọn
nhẹ là Bộ chỉ huy tiền phương. Những trận đánh nhỏ, rộng khắp cùng các trận
đánh lớn, quan trọng như trận phục kích diệt địch cơ động đường sông ở Đoan
Hùng, phục kích tiêu diệt quân địch cơ động vận chuyển bằng đường bộ ở Bản Sao-Bông
Lau... đã thực hiện được ý định chung của chiến dịch, làm thất bại chiến lược
"đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc chúng rơi vào thế bị
động, phải đánh lâu dài với ta.
Trong Chiến dịch
Biên giới (1950), lúc đầu ta dự kiến tiêu diệt địch ở thị xã Cao Bằng để mở màn
chiến dịch. Đến đầu tháng 8, Bộ tư lệnh chiến dịch tiến hành trinh sát thực địa
Cao Bằng. Qua nghiên cứu địch tại chỗ, ta thấy, ở Cao Bằng, quân địch rất đông,
gồm nhiều cứ điểm, phòng ngự mạnh, có hệ thống công sự, vật cản được xây dựng vững
chắc trên một địa hình trống trải, lại có sông Bằng bao quanh. Nếu ta đánh chiếm
thị xã Cao Bằng sẽ gặp khó khăn, bộ đội sẽ thương vong nhiều, không đủ sức để
phát triển tác chiến nhanh, mạnh. Trong khi đó, lực lượng địch ở Đông Khê tương
đương với một tiểu đoàn, vừa với khả năng tiêu diệt gọn của ta; đánh địch ở
Đông Khê sẽ tạo khả năng kéo địch từ Thất Khê lên giải tỏa hoặc địch từ Cao Bằng
rút về. Để bảo đảm đánh thắng trận then chốt mở đầu, mở màn một chiến dịch tiến
công lớn đầu tiên của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy
trưởng, Bí thư Đảng ủy chiến dịch, đã đề nghị một phương án tác chiến đánh Đông
Khê trước để mở màn chiến dịch theo hai bước. Bước thứ nhất: Tiêu diệt địch ở
Đông Khê, đồng thời, đánh địch ra ứng cứu Đông Khê bằng cả đường bộ và đường
không, sau đó chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê hoặc đánh địch vận động
quanh Thất Khê; bước thứ hai: Sau 10-15 ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, bộ đội sẽ
chuyển lên đánh Cao Bằng.
Phương án tiến
công địch ở Đông Khê do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất đã được Chủ tịch Hồ
Chí Minh phê chuẩn. Thực hiện ý đồ tác chiến "nhử thú dữ vào tròng-khép
vòng lưới thép" do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, bộ đội ta đã thực hiện
cách đánh "vận động chiến" và "đánh điểm diệt viện", tiêu
diệt quân địch ở Đông Khê. Bị mất Đông Khê, quân địch từ Thất Khê lên ứng cứu,
đã bị ta chặn đánh và tiêu diệt; quân địch ở Cao Bằng vội vã rút chạy, cũng bị
ta bao vây, tiêu diệt và bắt sống cả chỉ huy của hai cánh quân này. Nhờ mưu kế
hay, cách đánh giỏi, ta đánh một mà được hai. Ta đã giải phóng được một vùng đất
đai rộng lớn, phá vỡ phòng tuyến bao vây biên giới của địch, từ đó, căn cứ cách
mạng của ta được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc tiến
công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới
sự chỉ huy, chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta đã tiến hành các cuộc
tiến công trên khắp các chiến trường, buộc quân địch phải lâm vào thế bị động,
phân tán lực lượng để đối phó với các đòn tiến công của ta. Chính viên tướng
Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã phải thừa nhận, hơn
80% lực lượng cơ động của Pháp đã bị giam chân tại các chiến trường. Đến khi ta
tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn
để đối phó được nữa.
Ở mặt trận Điện
Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất quyết đoán khi đề nghị thay đổi
phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc,
tiến chắc" và đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
phê chuẩn. Sau này, trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử"
(2004), Đại tướng đã viết: "Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một
quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình". Trước khi đưa
ra quyết định thay đổi phương châm tác chiến, Đại tướng đã phải trải qua những
suy nghĩ, trăn trở cực kỳ khó khăn. Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn đã
được kéo lên vị trí chiến đấu với biết bao công sức của bộ đội, nhưng ông vẫn
quyết tâm cho kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào trận địa.
Sau 55 ngày đêm
chiến đấu dũng cảm, với phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và sự chỉ
đạo chiến thuật kịp thời, chính xác bằng xây dựng trận địa chiến hào từ xa tiến
vào gần, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch; với sự chi viện của pháo
binh và phòng không, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi cục diện
chiến tranh giữa ta và địch. Thắng lợi của ta trong Ðông Xuân 1953-1954, đỉnh
cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp
định Geneva (tháng 7-1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông
Dương.
HAT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét