Mỗi người dân Việt
Nam những ngày này đều biết Tổ quốc đang gặp bước khó khăn. Kẻ thù hôm nay
không chỉ là kẻ thù của quốc gia mà là kẻ thù của toàn nhân loại. Chúng có mặt
trên khắp thế giới và đang từng phút, từng giây cướp đi sinh mạng; tước đi cuộc
sống bình thường của bao con người. Không còn nụ hôn cho những người yêu nhau;
không còn quây quần anh em trong ngày rằm, ngày Tết; những đứa con xa không được
về thăm mẹ; trẻ không được đến trường; những đám ma không người đưa tiễn... Ðã
gần hai năm, tin tức người nhiễm bệnh, người chết dồn dập làm lung lay từng ngõ
xóm.
Giờ là lúc, mỗi
người sống và chiến đấu, sống và tin tưởng như Bác Hồ kêu gọi trong ngày Toàn
quốc Kháng chiến: “Chúng ta phải đứng lên! ... Dù phải gian lao kháng chiến,
nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”!
Trong cuộc chiến
chống Covid-19, Ðảng, Nhà nước ta đã nắm thế chủ động từ đầu, đã dồn sức cho
ngành y tế, huy động cả hệ thống chính trị, cả lực lượng vũ trang vào cuộc để bảo
vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Ðặc biệt là tư tưởng: Con người là trên
hết. Ðiều đó đã được thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng ngày 30/3/2020: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng
của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ
cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và
hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Ðảng và Nhà nước,
sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một
chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
Kết luận số
07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị Về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường
công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội khẳng định:
Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch
Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Ðể chiến thắng
nhanh và trọn vẹn trong cuộc chiến này, sự thông suốt về tư tưởng là trên hết.
Ðể không lấn bấn, lỡ nhịp. Ðể có thể dốc toàn bộ sức người, sức của; tiếc người
nhưng không tiếc của để thắng dịch. Thắng dịch rồi, ta sẽ xây dựng hơn mười
ngày nay!
Sức mạnh dân tộc,
sức mạnh lịch sử
Lịch sử dân tộc, lịch
sử nhân dân được gửi gắm ở truyền thuyết, ở văn học nghệ thuật, ở dã sử, tất
nhiên cả chính sử, và chính là ở những đau khổ mà dân tộc ấy đã nếm trải, ở những
thành tựu mà dân tộc ấy đã đạt được và gửi lại cho đời sau.
Lịch sử dân tộc ta
trước hết là lịch sử của sự cố kết, của tình yêu thương. Từ chuyện “đồng bào”,
con cùng một mẹ, đến “thương người như thể thương thân” là một bước phát triển
dài, là một kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc sống. Và đó không chỉ là chuyện
giúp nhau trong hoạn nạn, đó còn là con đường của hạnh phúc.
Lịch sử nước ta là
lịch sử sự hình thành và phát triển của sự dân chủ, của mơ ước đại đồng. Vua đi
cày ruộng, vua làm nhà sư; Tiên Dung lấy Chử Ðồng Tử, Từ Thức lấy tiên; Trần
Hưng Ðạo thực hiện “phụ tử chi binh”, Nguyễn Trãi viết: Nhân dân bốn cõi một
nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông
chén rượu ngọt ngào...
Lịch sử nước ta là
lịch sử anh hùng, bách chiến bách thắng trong việc chống lại thiên tai, địch họa;
là lịch sử của tinh thần hòa hiếu, nhân ái vô biên và của sự thích nghi vô hạn
với tính cách nước “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” - đây là tuân theo quy luật,
không phải cơ hội. Trong đó, “tình thương” là một trong những đức tính, truyền
thống quý báu nhất.
Tất cả những truyền
thống ấy, sức mạnh ấy của lịch sử đang sống dậy mạnh mẽ, biểu hiện cao đẹp
trong những ngày chống dịch.
Trên tuyến đầu,
nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên đã quên mình vì người bệnh, có người làm việc
20-22 giờ một ngày; xa mẹ già, con nhỏ. Ðã có hy sinh... Với họ, hạnh phúc là
gì? GS Nguyễn Lân Hiếu đã nói thay cho tất cả các chiến sĩ blu trắng: “Chỉ cần
thấy bệnh nhân mở mắt, mỉm cười, chắc chắn không một nhân viên y tế nào không hạnh
phúc”...
Quân đội nhân dân,
Công an nhân dân, bộc lộ rõ nhất phẩm chất vì nhân dân quên mình.
Những xóm trưởng,
trưởng dân phố chính là những tiểu đội trưởng, trung đội trưởng xung kích. Và bởi
phải tiếp xúc nhiều, nhiều người đã âm thầm nhiễm bệnh, lặng lẽ hy sinh không
có và không cần một tuyên dương công trạng.
Quán cơm “Tùy hỉ”
của anh Vũ Quốc Cường ở phường Bến Nghé, TP Hồ Chí Minh trước đây thu hút nhiều
khách ăn vì tính chất “tùy hỉ”, có bao nhiêu trả bấy nhiêu; không có cũng được,
cốt để giúp đỡ người nghèo và sinh viên. Khi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh bùng
phát, chuyển thành quán cơm từ thiện, phục vụ những người ở tuyến đầu chống dịch,
và là một trung tâm thiện nguyện. Không may, vợ chồng anh và mẹ anh đều bị nhiễm
virus. Anh đã mất tại khu cách ly ngày 22/8, để lại không chỉ sự tiếc thương
trong bạn bè, trong những người khách từng được anh giúp đỡ, mà còn để lại một
tấm gương đạo lý làm người. Chỉ 20 m2 nhà thuê, vẫn thành “ngôi chùa” của lòng
bác ái; cả đời lao động vất vả, không để lại tài sản gì, trước khi chết vẫn giữ
nụ cười trên môi và nhắn gửi với người thân: Hãy tiếp tục giúp đỡ người nghèo!
Chuyện anh Cường chỉ là một trong hàng nghìn, hàng triệu tấm lòng tương thân
tương ái; là một giọt nước trong muôn triệu giọt nước kết thành một đại dương
mênh mông của lòng nhân ái.
Một sức mạnh nhân
dân đã được phát động.
Lịch sử cho hay,
khi Nhà nước và nhân dân đồng lòng, như thời Trần chống Nguyên - Mông; như thời
đại Hồ Chí Minh đuổi giặc... và bây giờ chống dịch, thì không có gì không thể
vượt qua, không kẻ thù nào không thể chiến thắng!
HGL-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét