CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Một số giải pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay

 

Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Do đó, việc nâng cao khả năng tự "đề kháng" của cán bộ, đảng viên, vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Một số giải pháp thiết thực đó là:

Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Cấp ủy các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với đảng viên; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của đơn vị, bảo đảm sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các cấp để cùng giải quyết khi có sự kiện xảy ra. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, cũng như một số chủ trương, chính sách mới liên quan đến người dùng internet, mạng xã hội như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016; và mới đây nhất là Luật An ninh mạng, được Quốc hội thông qua tháng 6-2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019.

Thường xuyên chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trên internet, mạng xã hội. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước; tình hình của đơn vị, tình hình trong nước và thế giới, nhất là các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, những vấn đề nhạy cảm mới nảy sinh để đáp ứng nhu cầu nhận thức, thị hiếu chính đáng của cán bộ, đảng viên. Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, vũ khí tối ưu của cuộc đấu tranh tư tưởng chính là cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều. Từ đó sẽ định hướng tư tưởng, nhận thức cho cán bộ đảng viên và dư luận nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng, nâng cao khả năng “tự đề kháng”, chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, chống lại những âm mưu chống phá của địch.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động nâng cao kiến thức về mọi mặt nhằm tạo cho mình có nhận thức chính trị đúng đắn, ý thức kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nhận rõ tính chất nguy hại của thông tin xấu độc; chọn lọc khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động quần chúng, đồng chí, đồng đội, hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các cấp ủy đảng các cấp phổ biến, quán triệt tốt những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Hình sự (nhất là nội dung Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông); Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT, ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội và những quy định mới có liên quan.

 Tăng cường kiểm tra, kiểm duyệt nội dung, không để lọt các bài viết, các ấn phẩm có nội dung xấu, độc xuất hiện trên các báo, trang mạng chính thống, nhất là trang tin điện tử; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã của đất nước ta.

HVD-BS

0 nhận xét: