CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội là một trong những nội dung cốt lõi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện rõ tính đặc thù của hoạt động quân sự trong tình hình mới, góp phần định hướng tư tưởng chính trị trong quân đội.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Sự trưởng thành và những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ với Quân đội, Quân đội với Bác Hồ đã trở thành chủ đề lớn trong công tác tư tưởng, chính trị của Quân đội ta, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng Quân đội ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tham gia xây dựng, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự không chỉ xuất phát từ các thành tựu trong kỹ thuật và chiến thuật quân sự, mà còn thể hiện tính cách mạng và chiến lược trong khoa học quân sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tài tình học thuyết quân sự Mác - Lênin vào điều kiện và hoàn cảnh cách mạng Việt Nam, một học thuyết mang tính tổng hợp, coi sức mạnh quân sự gắn liền với chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội, khoa học và kỹ thuật, v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Tư tưởng đó đã trở thành quy luật sống còn của dân tộc ta. Bảo vệ đất nước phải luôn gắn liền với xây dựng đất nước, động viên toàn dân kháng chiến luôn đi đôi với bồi bổ sức dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương thực hiện kháng chiến toàn diện bằng sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, trong đó lấy đấu tranh quân sự là chủ chốt.

Những tư tưởng chủ đạo đó đã được thể hiện ở ba quyết định có ý nghĩa lịch sử:

Một là, quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và kêu gọi cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hai là, quyết định phát động toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ba là, quyết định phát động cả nước đứng lên chống Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên được lực lượng toàn dân tham gia cuộc kháng chiến ác liệt và lâu dài chưa từng có trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Người nhấn mạnh: “không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng được”1. Kháng chiến toàn diện là phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, tư tưởng.

Trong khi nêu khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng ta đồng thời đề ra nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Thi đua ái quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa quân sự của dân tộc ta, đó là: “thực túc binh cường”, “quốc thịnh binh cường”, chính sách “ngụ binh ư nông”, đồng thời Người còn vận dụng học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm quân sự của các nước trên thế giới để xây dựng hậu phương vững mạnh, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định chiến lược đánh lâu dài nhằm làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương trường kỳ kháng chiến, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng, tích lũy kinh nghiệm để đủ sức đánh bại quân địch. Trong trường kỳ kháng chiến, Người rất coi trọng giành cho được những thắng lợi liên tiếp, dù nhỏ, vừa “góp gió thành bão” đưa kháng chiến tiến lên, vừa để nuôi dưỡng chí khí cách mạng, tinh thần kiên trì chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta một lần nữa lại đề ra chiến lược đánh lâu dài với Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Người nhắc lại kinh nghiệm này của ông cha ta và giải thích: “Kháng chiến phải trường kỳ, vì đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài và phải có sự chuẩn bị về toàn diện, của toàn dân”3. Người nhấn mạnh: “Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”4. Kháng chiến trường kỳ, nhưng không có nghĩa là phải kéo dài vô hạn, mà phải nỗ lực vượt bậc, vừa tiêu diệt địch, vừa bồi dưỡng phát triển lực lượng của ta, càng đánh ta càng mạnh, địch càng yếu, đánh bại từng âm mưu, chiến lược của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trong tình hình đó phải biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ để giành thắng lợi càng sớm càng tốt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chống Mỹ, cứu nước là cuộc chiến trường kỳ và gian khổ. Vì so sánh lực lượng có sự chênh lệch rất lớn, nên ta cần có thời gian để tập trung, tổ chức, xây dựng, chuyển hóa lực lượng ngày càng lớn mạnh, có lợi cho ta, hạn chế những lợi thế và khoét sâu yếu điểm của địch. Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tư tưởng Hồ Chí Minh về trường kỳ kháng chiến là một sách lược đặc biệt quan trọng trong đường lối quân sự của Việt Nam.

Khi chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Người đưa ra quyết tâm: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. “Hễ còn một tên lính thực dân trên đất nước Việt Nam thì cứ đánh, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn”5. Đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Người ra lời kêu gọi: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”6. Đó là tinh thần kiên quyết tiến công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, của toàn quân và toàn dân ta trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Do đó phải luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; hết lòng ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc; đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, Người không chỉ đấu tranh cho dân tộc mình, mà còn đấu tranh cho công lý, vì quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc, vì phẩm giá con người của các dân tộc trên toàn thế giới. Người là hiện thân và là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Vì lẽ đó, Người không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà còn là người bạn lớn, thân thiết của nhân dân các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng và sự nghiệp của Người có sức cổ vũ và ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đối với các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân vì độc lập tự do, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để thực hiện kết hợp sức mạng dân tộc với sức mạnh của thời đại, Người đã nêu cao ý chí giữ vững độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc; đồng thời Người đã tìm mọi cách để tranh thủ sự giúp đỡ to lớn, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ cả về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình thế giới, của cả nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được hình thành trên những cơ sở lý luận và thực tiễn hết sức phong phú. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước với ý thức cộng đồng, ý thức đoàn kết dân tộc được hình thành và củng cố qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo nên những giá trị truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Tinh thần, ý thức đó đã tạo nên sức mạnh vô địch của cả dân tộc để chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững. Về mặt thực tiễn, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng ở các nước trên thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. “Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc còn được Hồ Chí Minh vận dụng sáng suốt những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: đó là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng phải trở thành dân tộc, liên minh công nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng, đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế, vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”7.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1946, Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”8.

Xây dựng lực lượng quân sự bao gồm ba thứ quân, xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp và kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, sử dụng linh hoạt các phương pháp tiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc giáo dục tư tưởng, chính trị và nhiệm vụ chính trị cho các lực lượng. Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ở tư tưởng Hồ Chí Minh, giữa chính trị và quân sự có mối quan hệ mật thiết với nhau, dùng chính trị để phục vụ cho quân sự, dùng quân sự để xây dựng chính trị và kết hợp chính trị với quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng tinh thần và sức mạnh của toàn dân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền và Mặt trận dân tộc thống nhất, kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc “chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”, “hậu phương thi đua với tiền phương”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện các chính sách bồi dưỡng sức dân để kháng chiến lâu dài.

Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, hiện nay, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục ý thức quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, kêu gọi Nhân dân đề cao cảnh giác, chống các âm mưu và thủ đoạn của địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, Đảng ta đề ra chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng; kết hợp giữa xây dựng lực lượng vũ trang chính quy với các lực lượng tự vệ ở địa phương, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 22/12/1964, nhân dịp kỷ niệm Quân đội ta tròn 20 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”9.

Trên nền tảng lý luận về chiến tranh nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập và rèn luyện Quân đội ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang hình thành trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta. Người cho rằng, xây dựng lực lượng vũ trang quân sự phải bắt nguồn từ lực lượng đấu tranh chính trị, biểu hiện của nó là từ đấu tranh chính trị chuyển thành đấu tranh quân sự, đặc biệt phải luôn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Năm 1944, Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Người khẳng định những tiêu chí cơ bản nhất để xác định bản chất Quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Người yêu cầu: “Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”10. Người xác định nhiệm vụ của Quân đội là vừa chiến đấu, vừa công tác, vừa sản xuất, trong đó chiến đấu là nhiệm vụ chủ yếu. Cùng với công tác chính trị, quân sự, Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm tới các biện pháp nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết cho bộ đội, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế.

Người quan tâm đến việc tổ chức lãnh đạo, chỉ huy Quân đội, trong đó có các cơ quan lãnh đạo chỉ huy cao nhất của Quân đội như Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đồng thời, quan tâm tới công tác bảo đảm hậu cần, trang bị vật chất, kỹ thuật cho bộ đội ở chiến trường, coi đây là điều kiện quan trọng để giành thắng lợi. Chính Người đã trực tiếp chỉ đạo khai mở con đường chiến lược đi tới Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là con đường Hồ Chí Minh vượt dãy Trường Sơn, vượt biển để chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để “một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”.

Người quan tâm sâu sát và cụ thể từ việc chú trọng nâng cao chất lượng của Quân đội để nâng cao sức mạnh chiến đấu, dặn dò mỗi cán bộ phải: học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu. Người ra Chỉ thị: Toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa. Trong xây dựng Quân đội, Người luôn đề cao tư tưởng chiến lược quân sự là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân, xây dựng một hậu phương vững mạnh cho tiền tuyến bởi đó là yếu tố cơ bản bảo đảm cho thắng lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề xây dựng Quân đội cách mạng bởi Quân đội là công cụ của nhà nước vô sản chuyên chính. Người đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức các đội tự vệ, dân quân và sáng lập ra Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Quân đội ta là Quân đội nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, cho nên đi đến đâu đều được dân tin, dân phục, dân yêu. Từ đó, Người đã phác họa một lực lượng vũ trang nhân dân đông đảo gồm có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các tổ chức dân quân tự vệ.

Trong suốt quá trình chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò chiến lược của dân quân tự vệ, là lực lượng vô địch của toàn dân tộc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó đều phải tan rã.

Con người và hậu cần kỹ thuật là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong đó con người là nhân tố quyết định, hậu cần kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng. Trên bước đường tiến lên chính quy, hiện đại, vũ khí và trang bị của Quân đội ta ngày càng nhiều, trình độ ngày càng cao, cơ sở vật chất - kỹ thuật ngày càng lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải coi trọng kỹ thuật, ra sức học tập để làm chủ kỹ thuật. Khen ngợi một số đơn vị có thành tích tốt về cải tiến kỹ thuật, Người cho rằng: Đó là bước đầu tiên trên con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ Quân đội đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, được dân tin, dân phục, dân yêu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đa số cán bộ Quân đội đều thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng của mình; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực; giữ vững phẩm chất cách mạng. Tuy nhiên, những biến đổi phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực, thế giới; sự tác động của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập... đã phần nào chi phối đến tư tưởng, tình cảm của một số cán bộ Quân đội.

Trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thực hiện phi chính trị hóa Quân đội của các thế lực thù địch, hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ Quân đội hôm nay phải tích cực học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh; phải luôn kiên định lập trường, tư tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin và sự mong mỏi của Người. Đó cũng là những vấn đề cốt lõi nhất đòi hỏi người cán bộ Quân đội phải tiếp tục nâng cao “Đức” và “Tài”, khi đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây còn là yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ trong quân đội đã được xác định trong văn kiện của Đại hội Đảng bộ Quân đội trong thời gian tới./.

ĐVQ-BS

0 nhận xét: