CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

ĐỪNG NHƯ “CÁI CHÉN NHỎ, CÁI ĐĨA CẠN”

 

Ở Việt Nam, tự kiêu, tự mãn luôn được coi là căn bệnh xấu. Trên thực tế căn bệnh này hay xuất hiện ở đội ngũ cán bộ, những người có chức, có quyền.

Hồ Chủ tịch đã có những lời dạy rất sâu sắc về bệnh tự kiêu, tự mãn. Trong loạt bài viết về đạo đức cán bộ đăng trên báo Cứu quốc vào cuối tháng 5 đầu tháng 6-1949, Người viết: “… Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu tự đại là dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ. Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước, cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”.

Trên thực tế, bệnh tự kiêu, tự mãn gây ra nhiều hậu quả xấu. Vì nghĩ mình là nhất nên coi thường người khác, không chịu học hỏi, xa lánh mọi người, xa lánh nhân dân. Kết quả là không có đủ năng lực, phẩm chất, không tập hợp được quần chúng, không phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân, trong khi sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân mới là to lớn nhất.

Cả cuộc đời Hồ Chủ tịch là tấm gương mẫu mực trong sáng về đạo đức cách mạng. Người vĩ đại về nhân cách, tài năng, cống hiến nhưng vẫn trọn đời khiêm tốn, học hỏi, không hề tự kiêu, tự mãn. Ngày 21-7-1956, khi nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chủ tịch khẳng định : “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Người khuyên dạy cán bộ phải thật sự khiêm tốn: “Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 92 năm qua, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam về cơ bản đã không ngừng rèn luyện phấn đấu, tự trọng, gương mẫu, khiêm tốn, được đồng chí, đồng đội và nhân dân tin yêu, học tập. Đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp để đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhưng bên cạnh đó, trong Đảng vẫn còn những biểu hiện của căn bệnh tự kiêu, tự mãn. Nổi lên là tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện phấn đấu, không khiêm tốn, coi thường người khác, coi thường nhân dân. Gần đây, trong cuộc sống hằng ngày của xã hội xuất hiện hiện tượng một số người dù là cán bộ, đảng viên nhưng khi có sai sót, vi phạm như uống rượu say vẫn điều khiển xe ô tô, không chấp hành các quy định nơi công cộng… trước sự chứng kiến của nhiều người dân thì chẳng chịu nhận sai, không biết xin lỗi để sửa chữa, khắc phục mà trái lại cứ gân cổ lên hỏi “Có biết tao là ai không?”. Khi thốt ra những câu hỏi như vậy, họ đã quên mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước dân, là công dân phải có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật. Cuối cùng thì những con người “vô lý” ấy đều bị xử lý sai phạm, dư luận lên án. Chúng ta cũng đã không ít lần chứng kiến một số cán bộ cao cấp không chịu rèn luyện giữ mình, không nghe lời khuyên, góp ý của cấp dưới, của quần chúng, luôn tự cao, tự đại cho mình là nhất, là đúng, dẫn đến vô tình hay cố ý làm sai, vi phạm pháp luật, đến khi bị kỷ luật, lĩnh án tù mới biết mình sai trái, thấy ân hận thì đã muộn.

Để khắc phục căn bệnh tự kiêu, tự đại, bản thân từng người cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện, phấn đấu, cả đời khiêm tốn, học hỏi, đoàn kết với mọi người. Trong học tập, cần chú ý đặc biệt đến việc học tập chính ở nhân dân như tư tưởng, quan điểm của Hồ Chủ tịch. Tháng 5-1950, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác huấn luyện và học tập, Người khuyên đội ngũ cán bộ, đảng viên phải: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Thật sự có tác dụng và đem lại hiệu quả to lớn khi tổ chức, đồng chí, đồng đội, quần chúng nhân dân chân thành quan tâm góp ý, giám sát, xây dựng, giúp đỡ để cán bộ, đảng viên giữ mình, rèn luyện, phấn đấu tiến bộ. Yêu cầu quan trọng, cần thiết đặt ra là khi thực hiện tự phê bình và phê bình thì người phê bình cũng như người được phê bình, cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân đều phải xuất phát từ sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phải chú ý tiến hành cho thực chất, đúng đắn, hiệu quả, như lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Khi thực hiện phê bình và tự phê bình cần kiên quyết tránh hình thức, động cơ không trong sáng hay làm không đến nơi đến chốn dẫn đến căn bệnh xấu tự kiêu, tự mãn càng thêm nặng, khó chữa.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác rèn luyện phấn đấu, thực hiện nghiêm túc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi theo gương sáng của Người để kiên quyết không trở thành “cái đĩa nhỏ, cái chén cạn”, xứng đáng là người cán bộ tốt của Đảng, của dân./.

CĐT-H4

0 nhận xét: