CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI THẾ HỆ TRẺ

  

Bước qua những chuẩn mực về đạo đức, trên mạng xã hội những kẻ săn “like” ngày càng táo tợn và không từ bất kì một mánh khóe nào. Những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, dăm bẩy đứa xông vào lột đồ đánh bạn không thương tiếc, ghi lại cảnh đầy bạo lực học đường để cho lên facebook. Những thánh chửi, học sinh chửi thầy cô giáo, con cái chửi bố mẹ, chửi đồng nghiệp, chửi xã hội... cũng cho lên facebook. Khoe cuộc sống giàu sang, chảnh chọe, thú tiêu tiền triệu, dùng hàng hiệu… để câu like.

Nếu không có mạng xã hội, người ta sẽ không biết được bạo lực học đường lại gia tăng như thế, học sinh đang ở lứa tuổi áo trắng cắp sách đến trường lại hung bạo, côn đồ đến vậy. Chúng đánh nhau rồi ghi hình up lên facebook như một phần khoe chiến tích, thích nổi tiếng và thích sự yêng hùng. Không chỉ ở lứa tuổi học sinh là những thanh nữ đã đến tuổi trưởng thành vẫn thích những phát ngôn sốc và hình ảnh sốc.

Hầu hết các YouTuber đều đọc được sở thích của người xem. Nếu nội dung không hay thì phải gây sự nhảm, bậy, kiểu như “đã xấu lại còn đầu gấu” thì càng thích, hoặc “đã xinh lại còn chụp hình hở linh tinh” nữa thì càng ham. Kiếm view bằng mọi cách đã làm các thanh nữ ngực nở eo thon đứng ngồi không yên, các cô nàng hotgirl thi nhau “thả thính” người xem bằng trang phục mát mẻ hay nhả câu chữ khêu gợi, tình tứ.

Lý giải về việc cộng đồng mạng thích nghe chửi, những livestream chửi được nhấn nút “like”. Ta có thể thấy ở ngoài đời khi gặp đám cháy trong nhà hát, đám đông thường dồn hết về một chỗ để rồi kẹt cứng ở đó chứ ít ai bình tĩnh nghĩ xem còn lối nào khác để thoát thân. Một điều dễ nhận thấy là đám đông facebook cũng tương tự thế, có một dạng trí tuệ tập thể. Facebook là một môi trường đặc biệt phù hợp với trí tuệ tập thể do nó được xây dựng sao cho kích thích đám đông tự dạy nhau cách đưa tin để được like nhiều.

Thật ra rất nhiều facebooker là nạn nhân của những kẻ like nọ, họ bị đám đông huấn luyện, chứ không phải là người dẫn dắt đám đông như họ lầm tưởng về mình. Cuộc sống thật tươi đẹp và lạc quan hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến hằng ngày trên mạng. Tuy nhiên mạng xã hội làm cho sự bất mãn dễ cộng hưởng, làm cho cái xấu và tin tức giả mạo dễ lan truyền nhanh và rộng. Đó cũng là điều mà rất nhiều người nhận ra. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ đó, cho nên khó có hy vọng là họ sẽ làm gì để thay đổi triệt để.

Xu hướng của con người là thường thích những gì bất thường, cái bình thường thì họ lại không quan tâm. Nhưng những cái bất thường ấy đôi khi lại rất tầm thường. Rồi thị hiếu của đám đông là tò mò. Trong những năm tháng kháng chiến người ta sống với nhau thật đẹp, đối xử có lòng nhân ái vì những mục đích cao cả. Người ta dâng hiến của cải, sẵn sàng từ bỏ gia đình giàu sang để vì những mục đích cho dân cho nước, người ta không hưởng thụ cá nhân, không sa vào chủ nghĩa duy vật tầm thường. Còn ngày nay, một bộ phận không nhỏ chú trọng thỏa mãn nhu cầu cá nhân, ăn uống, chơi bời, hưởng thụ, thích gây ấn tượng bằng mọi cách, như bây giờ giới trẻ có từ “Sống ảo".

Để khắc phục hiện tượng này trước tiên bố mẹ phải chú trọng đến văn hóa, phải là tấm gương cho con cái, ở cơ quan thì lãnh đạo phải gương mẫu. Nhưng cốt lõi nhất thì vẫn là giáo dục. Tại sao một bộ phân thanh niên bây giờ thờ ơ với văn hóa truyền thống? Giới trẻ thích mặc hở hang táo bạo hơn là áo dài cổ truyền kín đáo? Xu hướng thích, cổ xúy cho phát ngôn gây sốc với cộng đồng mạng hơn là nói năng lễ độ, cử chỉ khuôn phép chuẩn mực. Phải định hướng để ngay từ nhỏ biết hướng đến cái đẹp. Giáo dục vẫn là điều cốt lõi, hình thành nhân cách, lối sống từ gia đình đến nhà trường, từ lứa tuổi nhỏ...”.

LMH-H8

0 nhận xét: