CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TRONG XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở NƯỚC TA TRONG THỜI GIAN TỚI

 

Một là, đẩy mạnh tổng kết, bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta

Nền kinh tế thị trường luôn vận động phát triển với vô vàn mối quan hệ kinh tế đa dạng, trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực, toàn cầu lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong nghiên cứu, cập nhật, bổ sung, phát triển lý luận. Mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta là nhất quán vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên cách thức, nội dung, biện pháp định hướng, dẫn dắt các quan hệ kinh tế, các chủ thể kinh tế đi theo các nguyên tắc của CNXH cần được nghiên cứu, bổ sung, phát triển. Trong đó, cốt lõi phải giải quyết được hài hòa các mối quan hệ lớn, nhất là quan hệ giữa ổn định với đổi mới, phát triển; mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; quan hệ giữa tăng trưởng phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Những vấn đề mới nảy sinh trong quan hệ kinh tế nhất là quan hệ sỡ hữu trong điều kiện các nền kinh tế tùy thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thay đổi mối quan hệ giữa người với hệ thống sản xuất, lưu thông và sỡ hữu trí tuệ đòi hỏi phải được nhận thức, luận chứng một cách thấu đáo. Trên cơ sở đó cung cấp cho Đảng những luận cứ khoa học thuyết phục trong xác định chủ trương, quan điểm lãnh đạo, phát triển nền kinh tế.

Thứ hai, cần chuyển đổi tư duy về phương thức phát triển nền kinh tế thị trường từ phát triển với tốc độ cao sang phát triển với chất lượng cao, dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tri thức trí tuệ Việt Nam

Trước tác động mạnh mẽ, mau chóng của sự thay đổi công nghệ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, tính cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu ngày càng khốc liệt hơn, nó đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và tri thức. Phát triển chạy theo số lượng, dựa vào chiều rộng, lấy tốc độ làm mục tiêu không còn là mô hình phù hợp, thậm chí sẽ phản tác dụng trong sân chơi toàn cầu. Mặt khác nó cũng sẽ để lại những khuyết tật tác động đến vấn đề tiến bộ, công bằng xã hội, các chính sách an sinh xã hội theo mục tiêu XHCN. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam chúng ta đang ở vào giai đoạn chuyển đổi từ chú trọng đến tốc độ tăng trưởng sang chất lượng phát triển, cơ cấu nền kinh tế từng bước được tối ưu hóa, sáng tạo được xác định là động lực cho phát triển kinh tế. Xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa cần chú trọng đến nâng cao chất lượng hệ thống cung - cầu, đồng bộ đẩy mạnh công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa cả nông nghiệp, nông thôn...

Thứ ba, bổ sung làm rõ hơn quan điểm phát triển coi con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới.

Cùng với sự thay đổi về chủ trương, quan điểm phát triển kinh tế, từ chú trọng tăng trưởng kinh tế sang phát triển kinh tế theo chiều sâu lấy con người động lực và là trung tâm của sự phát triển, là sự thay đổi một cách căn bản về tư duy phát triển kinh tế của Đảng ta. Người dân phải được hưởng thụ đầy đủ thành quả của phát triển kinh tế mang lại. Điểm xuất phát và cũng là đích đến của phát triển kinh tế là mưu cầu sự giàu có, hạnh phúc cho tất cả nhân dân, thực hiện và bảo đảm lợi ích căn bản của quảng đại quần chúng. Tất cả đều được quan tâm tạo điều kiện, cơ hội để tự do làm giàu chính đáng, mỗi người dân giàu, cả xã hội sẽ giàu có, hạnh phúc, mọi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu cao cả đó.

Thứ tư, kết hợp phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước và vai trò trung tâm của thị trường trong phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Cải cách thể chế kinh tế tiếp tục là trọng điểm trong đi sâu cải cách toàn diện, mà vấn đề hạt nhân vẫn là xử lý tốt mối quan hệ hữu cơ giữa Nhà nước và thị trường, làm cho Nhà nước và thị trường kết hợp hài hòa với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, bổ trợ hiệu quả cho nhau. Trên cơ sở đó hình thành nên một khung quan điểm chỉ đạo về vai trò của “Đảng, Nhà nước và thị trường”, thể hiện ra dưới hình thức “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”; “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh … điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển”; “Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, điều tiết sản xuất và lưu thông”.

Nguyễn Tuấn - KNN - TV

 

0 nhận xét: