Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Sách trắng quốc phòng Việt Nam công khai với giới truyền thông trong nước và quốc tế rằng sẽ không tiến hành liên minh quân sự với bất cứ một quốc gia nào thì các thế lực thù địch tuyên truyền đó là một chính sách “bảo thủ”, “lạc hậu”, đi ngược lại xu thế tăng cường hợp tác và toàn cầu hoá. Đứng trước vấn đề quốc gia, dân tộc nhưng có phần ảnh hưởng tới các quan hệ quốc tế này. Các thế lực thù địch cho rằng: “Việt Nam cần liên minh quân sự để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đay là quan điểm rất sai lầm, thiếu cơ sở, “lợi bất cập hại”, đi ngược lại đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, cần phải được phê phán, bác bỏ.
Trước hết, chúng ta phải nhận thấy rằng: các thế lực
thù địch đã lợi dụng những diễn biến phức tạp về tranh chấp chủ quyền ở khu vực
Biển Đông, đặc biệt là những hành vi ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc, các thế
lực thù địch lập luận rằng: Một quốc gia nhỏ yếu như Việt Nam sẽ không thể đứng
vững nếu không tiến hành liên minh quân sự với một cường quốc bên ngoài, nhất
là với Mỹ, một quốc gia có lợi ích đối lập với Trung Quốc, đang xem Trung Quốc
là đối thủ số một, thậm chí như kẻ thù.
Bên cạnh đó, khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine
nổ ra, chúng càng cổ xuý cho quan điểm “Việt Nam cần liên minh quân sự để giữ vững
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Chúng lập luận rằng vì Ukraine không
phải là thành viên của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO) nên NATO không có nghĩa vụ cùng Ukraine chống lại Nga. Bên cạnh đó,
chúng còn tuyên truyền Phần Lan và Thụy Điển sớm “thức tỉnh” nên đã từ bỏ đường
lối trung lập, chủ động viết đơn xin gia nhập khối quân sự này, và được NATO
chính thức khởi động tiến trình kết nạp từ ngày 5/7/2022.
Từ những luận giải dưới khía cạnh góp ý kiến, bàn luận,
bình luận vấn đề quốc tế, các phần tử đóng vai người “tư vấn”, “kiến nghị”, “hiến
kế”, thúc giục Việt Nam tiến hành liên minh quân sự nhằm mục đích làm giảm niềm
tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng suốt của Đảng, tạo ra sự
chia rẽ nội bộ, đồng thời gây chia rẽ Việt Nam với Trung Quốc, tạo cơ sở cho những
kẻ cơ hội can thiệp vào nội bộ của chúng ta. Chúng ta cần hiểu đúng và nhận thức
rõ về quan điểm liên minh quân sự, đó là:
Thứ nhất: Liên minh quân sự không phải là giải pháp
đúng đắn và hiệu quả để bảo vệ Tổ quốc.
Khi mới nghe thoảng qua chúng ta cảm nhận việc liên
minh quân sự là có lợi, nhưng trong thực tế liên minh quân sự không phải là màu
hồng mà luôn tiềm ẩn những rủi ro và vô cùng phức tạp, làm cho chúng ta phải cuốn
vào vòng xoáy chạy đua vũ trang, lôi kéo bè phái trong thế giới rộng lớn. Nếu
tiến hành liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam bị lệ thuộc là rất
cao. Vì một quốc gia nhỏ liên minh với một cường quốc thì mối quan hệ đó trên
thực tiễn không có bình đẳng, nước nhỏ sẽ bị nước lớn chi phối, thôn tính, tính
độc lập, tự chủ sẽ suy yếu hoặc mất đi.
Lịch sử đất nước cho thấy, quá trình đấu tranh dựng
và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại bài học vô cùng quý giá, đó là thực
hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính. Trong bối cảnh
các nước đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có một cường quốc nào lại sẵn
sàng đối đầu với một cường quốc khác để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho
một nước thứ ba. Vậy nên, liên minh quân sự để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc
gia là một “ảo tưởng”, “ảo vọng”. Thực tiễn đã chứng minh một “chân lý” là mỗi
quốc gia phải tự quyết định vận mệnh dân tộc mình và không thể trông chờ vào sự
“che chở” của quốc gia khác.
Thứ hai: Liên minh quân sự sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro,
nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia của việt Nam
Đất nước ta là một quốc gia có bờ biển dài, kinh tế
- xã hội, quốc phòng - an ninh phụ thuộc nhiều vào đường biển, nếu Việt Nam tiến
hành liên minh quân sự với một cường quốc ngoài khu vực thì chắc chắn sẽ làm
gia tăng bất ổn ở Biển Đông. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh
và phát triển của đất nước. Vì vậy, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định ở khu
vực Biển Đông, tình hữu nghị với các nước láng giềng và các cường quốc là vấn đề
mang tầm chiến lược đối với Việt Nam.
Liên minh quân sự với bên ngoài có thể sẽ ảnh hưởng
xấu tới quan hệ giữa Việt Nam với các nước xung quanh, trong đó trực tiếp là ảnh
hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trong trường hợp, nếu Việt Nam
tiến hành liên minh quân sự với một quốc gia có lợi ích đối lập với Trung Quốc
thì dù ta có biện giải như thế nào cũng không làm cho Trung Quốc loại bỏ được
những nghi ngại rằng liên minh đó là nhằm vào họ, chống lại họ. Và, với vị thế
là một nước lớn, chi phối nhiều hoạt động kinh tế, lại là quốc gia láng giềng
“núi liền núi, sông liền sông”,… Trung Quốc sẽ có những phản ứng gây ảnh hưởng
tiêu cực đến an ninh và phát triển của Việt Nam. Điều đó đặt đất nước trước nhiều
thách thức, rủi ro, thậm chí rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
Cùng với đó, liên minh quân sự sẽ tạo cơ hội cho các
thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, làm giảm tính hiệu quả của đường
lối đối ngoại. Liên minh quân sự sẽ “phá vỡ” chính sách quốc phòng “Bốn không”
của Việt Nam hiện nay, đi ngược lại đường lối đối ngoại hoà bình, nhất quán của
Đảng, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch tấn công. Trên bình diện quốc tế, Việt
Nam là một quốc gia tầm trung, nhưng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam là
một nước nhỏ. Quan hệ giữa một nước nhỏ với một nước lớn chỉ có thể được bình
thường nếu như nước nhỏ không cảm thấy bị đe dọa bởi nước lớn, và nước lớn thấy
sức mạnh của mình được nước nhỏ tôn trọng. Vì vậy, Việt Nam cần tuân thủ nguyên
tắc thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc
và luật pháp quốc tế.
Thứ ba: Khi không liên minh quân sự Việt Nam sẽ có
những lợi ích vô cùng to lớn
Việt Nam không tiến hành liên minh quân sự là biện
pháp loại bỏ rủi ro và những tác động bất lợi, tránh rơi vào vòng xoáy cạnh
tranh giữa các cường quốc. Không tham gia liên minh quân sự để Việt Nam
không “chuốc” thêm kẻ thù. Mặt khác, nó còn tạo thuận lợi cho Việt Nam hợp
tác thực chất, hiệu quả với tất cả các quốc gia trên thế giới, tham gia sâu rộng
và phát huy được vai trò trong các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực, quốc tế. Không
tiến hành liên minh quân sự, mối quan hệ hoà bình, hợp tác, hữu nghị giữa Việt
Nam với các nước láng giềng được giữ vững và sự hợp tác giữa Việt Nam với các
nước sẽ góp phần giữ gìn an ninh biên giới, đối phó với các thách thức an ninh
phi truyền thống.
Khi không liên liên minh quân sự, Việt Nam không
đánh mất lợi thế địa chiến lược. Nếu tiến hành liên minh quân sự có nghĩa là việc
“chọn bên” đã được thực hiện. Trong toan tính của bên đối lập, vị trí địa chiến
lược của Việt Nam sẽ không còn giá trị lợi dụng. Nhiều quốc gia trung lập khác
sẽ không còn mặn mà tìm đến Việt Nam. Vì thế, vị thế địa chiến lược của đất nước
suy giảm, làm mất đi cơ hội hợp tác sâu rộng và thực chất với nhiều đối tác.
Ngày nay, trong điều kiện hoà bình, có vị trí địa
chiến lược, có “cơ đồ”, vị thế như hiện nay, thì việc liên minh quân sự sẽ là
“lợi bất cập hại”. Thay vì tiến hành liên minh quân sự, Việt Nam cần tiếp tục
thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, đa dạng hoá,
đa phương hoá như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ. Để đối phó
với các thách thức bên ngoài, Việt Nam cần xây dựng các mối quan hệ quốc tế
song phương, đa phương thực chất, hiệu quả, đồng thời phát huy tối đa sức mạnh
nội lực và tranh thủ ngoại lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vị thế quốc
tế để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và tránh rơi vào cái bẫy trên bàn cờ chiến
lược mà các nước lớn toan tính.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét