Giáo sư, Nhà nghiên cứu, Nhà văn Đặng Thai Mai (1902 - 1984), chẳng những là một học giả uyên thâm, một trí thức yêu nước, một nhà giáo mẫu mực mà còn là người cha của 6 Giáo sư và Phó giáo sư, bố vợ của ba vị Tướng lừng danh, là ông ngoại và ông nội của hàng chục Tiến sĩ và Cử nhân...
Đại
tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 (kém Đặng Thai Mai chín tuổi). Trước khi có
cuộc hôn nhân lịch sử, hai người vẫn coi nhau như bạn bè. Phần vì tuổi tác chẳng
hơn kém nhau là mấy, phần vì họ cùng là đảng viên Tân Việt, cùng bị Pháp bắt
giam năm 1930, ra tù họ lại cùng sống bằng nghề dạy học. Đặc biệt, năm 1935 Đặng
Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám... cùng là sáng lập viên
của Trường Tư thục Thăng Long nổi tiếng. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, họ cùng được
bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Trong Chính phủ, Đặng Thai Mai được bổ nhiệm
là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, còn Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ...
Cũng
thời gian ấy, sau mấy năm xa cách gặp lại Đặng Bích Hà, con gái lớn của giáo sư
Đặng Thai Mai đã lớn vổng lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Một tình cảm đẹp đã
nảy nở giữa Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đó không chỉ là một tình yêu nam nữ
đơn thuần mà còn là sự đồng cảm của những tâm hồn cao đẹp, những nhân cách văn
hóa. Bởi thế, tình yêu của họ càng đẹp và lãng mạn hơn khi đã được thử thách và
chín muồi trong cách mạng và kháng chiến. Đám cưới của hai người đã được tổ chức
giản dị và trang trọng trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân
Pháp bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và chia vui. Vợ chồng Võ Nguyên
Giáp - Đặng Bích Hà sinh được 4 người con (2 trai và 2 gái), trong đó có nữ Tiến
sĩ khoa học Vật lý Võ Hạnh Phúc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là “người
anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Liên tục hơn 30 năm (1946 - 1980), ông
là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Ông là người được Nhà nước
ta phong hàm Đại tướng đợt đầu tiên (1948).
Vị
tướng con rể thứ hai của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai là Phạm Hồng Cư. Tên thực
của ông là Lê Đỗ Nguyên, sinh năm 1926, quê ở Đông Cương, Đông Sơn, Thanh Hóa.
Ông cũng chính là một trong 3 người anh của nhân vật nữ (Lê Đỗ Thị Ninh) trong
bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan. Phạm Hồng Cư nhập ngũ
tháng 9 năm 1945, được kết nạp vào Đảng năm 1947. Trưởng thành từ những ngày là
Đội viên Tự vệ chiến đấu Cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội), Phạm Hồng Cư đã trực tiếp
tham gia nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội ta từ chiến dịch Điện Biên Phủ
đến chiến dịch Hồ Chí Minh... Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng,
Phạm Hồng Cư đã kết hôn với Đặng Thị Hạnh, con gái thứ hai của Giáo sư, Nhà văn
Đặng Thai Mai. Vợ chồng họ sinh được 2 trai và một gái. Các con của họ đều đã
trưởng thành, được đào tạo rất cơ bản và hầu hết đang làm việc tại nước ngoài. Những
năm 1974-1978, Phạm Hồng Cư là Cục trưởng Cục Văn hóa, Tổng cục Chính trị Quân
đội nhân dân Việt Nam, sau đó ông đảm nhiệm trọng trách Phó Chính uỷ, rồi Phó
Tư lệnh, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
cho tới ngày nghỉ hưu. Phạm Hồng Cư được phong hàm Trung tướng năm 1988.
Vị
tướng thứ ba, con rể của giáo sư nhà văn Đặng Thai Mai là Phạm Hồng Sơn. Ông
tên thật là Phạm Thành Chính, sinh năm 1923 tại Hưng Khánh, Hưng Nguyên, Nghệ
An. Ông là cháu ruột của liệt sĩ Phạm Hồng Thái - người đã dũng cảm hy sinh khi
mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc-Lanh tại Sa Diện (Trung Quốc) năm 1925. Phạm
Hồng Sơn nhập ngũ năm 1945, được phong hàm Trung tướng năm 1982. Tướng Phạm Hồng
Sơn từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở nhiều mặt trận. Trong kháng chiến chống
Pháp, ông từng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Những năm
1955 - 1959, ông làm Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn, tiếp đó là Cục phó Cục
Khoa học Quân sự, rồi Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1967, ông
được điều vào chiến trường miền Nam chỉ huy chiến dịch Đường Chín - Nam Lào, rồi
Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên. Phạm Hồng Sơn còn được biết
đến là một Phó Tiến sĩ khoa học quân sự... Những năm 1971 - 1975 ông từng đảm
nhiệm trọng trách Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự, Phó Viện trưởng Học viện
Quân sự cấp cao...Năm 1954, Phạm Hồng Sơn kết hôn với Đặng Anh Đào, con gái thứ
tư của Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai. Đám cưới của họ được tổ chức tại Thanh
Hóa, trước ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Vợ chồng họ sinh được
ba người con, thì hai từng là sĩ quan hải quân, một người là tiến sĩ toán học,
cả ba đều tốt nghiệp tại Liên Xô cũ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét