CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

 

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Có dân tộc bản địa, có dân tộc di trú từ nhiều vùng khác đến vào những thời kỳ khác nhau. Khi đã chọn lãnh thổ này làm nơi sinh cơ lập nghiệp, họ đều chung sống hòa thuận, xem Việt Nam là Tổ quốc thiêng liêng của mình. Trên lãnh thổ này, suốt mấy nghìn năm lịch sử, các dân tộc phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch họa nên muốn tồn tại họ phải biết chung lưng đấu cật mới có thể bám đất, giữ nước.

Sự tồn tại, đứng vững của các dân tộc đã đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả xương máu của biết bao thế hệ con người. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thời này qua thời khác, truyền thống ĐKDT luôn được vun đắp, hun đúc tạo nên sự gắn kết không thể chia cắt giữa các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, nhiều nhà Dân tộc học cho rằng, lịch sử Việt Nam là lịch sử thống nhất quốc gia - dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" có ý nghĩa như một chân lý. Cho nên mọi suy nghĩ và hành động không phù hợp với truyền thống quý báu đó rất có thể sẽ đưa dân tộc đến thảm họa, là có tội với Tổ quốc. Lịch sử Việt Nam tự nó đã chứng minh nhờ truyền thống ĐKDT mà các thế hệ cha ông đã đánh thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh nhất của các thời đại, giữ cho Tổ quốc Việt Nam thống nhất,  mãi mãi trường tồn và phát triển.

Thế hệ trẻ nước ta hiện nay được thừa hưởng một di sản truyền thống quý báu của dân tộc. Họ lớn lên trên một đất nước độc lập, tự do. Một mặt họ không bị ảnh hưởng trực tiếp của nền giáo dục nô dịch như những thế hệ trước, mặt khác họ lại có nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển toàn diện hơn các bậc cha anh.

Xã hội ngày càng phát triển thì con người càng cần thiết phải am hiểu sâu sắc và khai thác triệt để truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Bởi lẽ, sức sống của mỗi dân tộc bao giờ cũng bắt buộc từ những yếu tố nội lực. Đối với mỗi con người Việt Nam, vấn đề giáo dục truyền thống ĐKDT đem lại cho đời sống những điều tốt đẹp nhất về phẩm chất mà nếu như không có nó thì cuộc sống trở nên mất ý nghĩa, con người Việt Nam không còn là chính mình nữa. Thực tiễn đã từng cho ta bài học vô giá, đó là một quốc gia dù có bề dày lịch sử và truyền thống đến đâu nhưng nếu lơi lỏng việc giáo dục truyền thống ĐKDT tất yếu sẽ đưa đến sự đổ vỡ.

Vì vậy, ở mỗi chặng đường lịch sử nhất thiết thế hệ trước phải chuẩn bị đầy đủ "hành trang", bảo đảm những điều kiện tốt nhất để thế hệ sau hoàn thành trọng trách của mình.

        Đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, việc xây dựng, củng cố khối ĐKDT ở mọi thời kỳ cách mạng luôn được xem  là vấn đề chiến lược quan trọng. Việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến phát huy truyền thống ĐKDT trong thời kỳ xây dựng CNXH đã đem lại những thành tựu rất đáng ghi nhận. Đó là những đổi thay về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục,... của cả nước, đặc biệt là ở các vùng dân tộc và miền núi. Song, vấn đề ĐKDT vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và thái độ của thế hệ trẻ nước ta. Những năm gần đây, một số ít trong thanh niên đã phai nhạt, đã nổi lên hiện tượng rất đáng lo ngại: lý tưởng XHCN có phần bị mờ nhạt ở một bộ phận không nhỏ, sự hiểu biết về lịch sử và các giá trị tinh thần truyền thống dân tộc bị sa sút, nhất là học sinh và sinh viên trong nhà trường. Điều đáng lo là trong giới trẻ đã xuất hiện quan niệm dân tộc hẹp hòi, cùng với nó là hiện tượng đòi ly khai, chia rẽ khối ĐKDT. Nguy hiểm hơn, một số nước tự cho là văn minh hơn những nước khác đã lợi dụng toàn cầu hóa làm công cụ để truyền bá, áp đặt văn hóa, tư tưởng của họ, đồng thời mua chuộc, xúi giục những phần tử chống đối gây ra bạo loạn từ bên trong, phá hoại sự ĐKDT nhằm mục đích biến những nước khác trở thành lệ thuộc lâu dài. Đó chính là biện pháp cơ bản để các nước đế quốc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" mà đối tượng chúng nhằm vào đầu tiên là thế hệ trẻ.

Thực tiễn trên khiến cho toàn xã hội không khỏi băn khoăn về việc chuẩn bị những "hành trang" cho các thế hệ sẽ làm chủ vận mệnh đất nước sau này. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" hàm chứa ý nghĩa trọng đại đó. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tạo điều kiện khuyến khích, có kế hoạch nghiên cứu, giáo dục, phát huy sức mạnh truyền thống ĐKDT, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện tại./.

0 nhận xét: