Trong thời
gian qua, các thế lực thù địch, phản động thường tán phát những tài liệu bịa đặt,
xuyên tạc, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về vai trò của đội ngũ trí thức
nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá cách mạng. Bài viết “Đất nước
đang cần gấp một tầng lớp trí thức chính trị” của Việt Hoàng đăng tải trên
trang “Thongluan-rdp” là một trong số đó.
Thứ nhất,
xuyên tạc vai trò của đội ngũ trí thức trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong sự
nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Việt Hoàng
cho rằng, “Tầng lớp sĩ phu (trí thức) ngày xưa sinh ra chỉ để phục vụ vô điều
kiện cho vua chúa chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi
xã hội. Sau khi chế độ phong kiến kết thúc thì nước ta lại rơi vào chủ nghĩa cộng
sản mà bản chất của nó cũng là một chế độ phong kiến có cải biên”. Đây là luận
điệu xuyên tạc về vai trò của đội ngũ trí thức trong lịch sử dân tộc, nhất là
trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong lịch sử
dân tộc, Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của trí thức: “Hiền tài là nguyên khí
của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy
thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trên một tấm bia Tiến
sĩ có ghi: “Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể.
Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất
nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với
đất nước”. Đây là những quan niệm rất rõ ràng về hiền tài, về giới trí thức.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trí thức có đóng góp quan trọng trong tất cả lĩnh
vực của đời sống xã hội. Họ luôn hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, ấm no,
hạnh phúc của nhân dân, được nhân dân ghi nhận, lập đền, miếu thờ.
Dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức Việt Nam là một lực lượng quan trọng của
cách mạng, luôn xung kích đi đầu trên mặt trận khoa học – công nghệ và văn hoá.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trí thức Việt Nam, bằng công sức và
trí tuệ của mình, cùng với khối liên minh công nông đã đóng góp to lớn làm cho cuộc
kháng chiến nhanh đi đến thắng lợi, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.
Hàng loạt những học sinh, sinh viên yêu nước, giác ngộ cách mạng đã trở thành
cán bộ, đảng viên, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước trong quá
trình cách mạng giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ,
Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu….
Nhiều trí thức trưởng thành trong nước hay từ nước ngoài trở về như: Hồ Đắc Di,
Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm,
Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Trần Duy Hưng, Đặng
Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu … đã đi theo cách mạng ngay từ những ngày
đầu độc lập, sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn, gian khổ, hy sinh
trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Trong thời kỳ
đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức,
có các chủ trương, chính sách phù hợp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh:
“Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu
phát triển đất nước trong tình hình mới”.
Nhờ có các chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đã tạo ra những chuyển biến rất
tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ trí thức, để họ
đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Những năm qua, đội
ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của
Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính
sách, hoạch định và triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược phát triển
kinh tế – xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ hai, cổ
súy cho cái gọi là “Tập hợp dân chủ đa nguyên”
Với nhận thức,
“Trí thức chính trị chẳng liên quan gì đến bằng cấp và tư cách trí thức chỉ đặt
ra với những người có quan tâm đến chính trị và xã hội”, Việt Hoàng cổ súy cho
một tầng lớp được gọi là “trí thức chính trị” mà tổ chức “Tập hợp dân chủ đa
nguyên” là điển hình, hạt nhân, là “tương lai của dân tộc”. Theo y, tổ chức này
“không giống với truyền thống dân tộc”, thậm chí “đã đi trước đồng bào mình khá
xa”, “là tổ chức chính trị đã thay đổi hoàn toàn văn hóa và tư duy chính trị
cho người Việt” hay “không xem Đảng Cộng sản là kẻ thù”, “không có kẻ thù và sẽ
không làm hại bất cứ ai”.
Năm 1982, tổ
chức “Tập hợp dân chủ đa nguyên” của một nhóm tự nhận là “trí thức cùng thao thức
với đất nước” được “sinh non”, “nhằm mục đích duy nhất là dân chủ hóa đất nước”.
Trên thực tế, tổ chức này là một cái “lẩu thập cẩm” quy tụ những người Việt Nam
thuộc nhiều lứa tuổi, mọi quá khứ chính trị và nhiều cương vị, trong cũng như
ngoài nước, trong đó, thành phần chủ yếu là viên chức và sĩ quan ngụy quyền Sài
Gòn trước năm 1975 đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tôn chỉ của tổ chức này suy
cho cùng cũng chỉ đòi hỏi “Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vị thế lãnh đạo,
thay đổi Cương lĩnh xây dựng đất nước, phải chuyển đổi thể chế chính trị”. Đây
là những luận điệu phản động không có một chút giá trị gì nhưng bằng các chiêu
trò giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, tạo thật – giả lẫn lộn, biến
có thành không, không thành có, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã khiến
không ít người nhẹ dạ, có nhận thức hạn chế tin và nghe theo. Chúng thực chất
chỉ là những “trí thức rởm”, đám “lưu manh chính trị”, lực lượng chống phá Đảng,
Nhà nước, chế độ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét